Chuyên gia Lê Thế Thọ khi được hỏi về quan điểm đối với chuyện chọn HLV nội cho đội tuyển quốc gia đã đúc kết: “Không ai nói HLV Việt Nam kém cỏi, nhưng phải nhìn nhận rằng việc tăng cường kiến thức của HLV nội kém hơn nhiều so với chuyên gia ngoại. Hơn nữa, HLV nội vẫn còn thiếu chính kiến mà chủ yếu là kiến thức không được bồi dưỡng nhiều hơn”.
Chúng ta vẫn hay gặp những lời phát biểu của các HLV nội mỗi khi đến dịp EURO hay World Cup, rằng họ sẽ cố gắng học hỏi từ sự tiến bộ của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, dõi theo tiến trình phát triển của bóng đá nội địa, dù hiện nay HLV nội được trọng dụng, nhưng thật khó để thấy những cải cách về mặt chiến thuật chơi bóng tại Việt Nam. Khi các CLB không tạo ra được nét đặc sắc, cá tính trong lối chơi thì cũng thật khó để đúc kết đâu là kiểu chơi của đội tuyển quốc gia.
Hồi ông Calisto còn ở Việt Nam, dựa trên con người tại Gạch, ông xây dựng lối đá phòng ngự - phản công. Khi lên đội tuyển, ông đặt trọng tâm vào sự đa năng của các vị trí hơn là một phong cách rõ rệt nào. Sau thành công tại AFF Cup 2008, dư luận cũng đã bàn nhiều về cái gọi là “lối chơi Việt Nam” nhưng kỳ thực là không thể có được điều đó nếu thiếu nền tảng từ các CLB.
Nói cho cùng, lối chơi nào thì cũng dựa vào con người đang có mà nếu cầu thủ đã quen đá theo kiểu “không phong cách” ở CLB thì cũng khó mà đòi hỏi cao hơn mỗi lúc lên tuyển. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc tập trung dài hạn ở đội tuyển mỗi khi thi đấu giải.
o0o
Và phải chăng vì thế mà đội bóng ổn định nhất V-League lại đang là đội số 1, tức HN T&T của HLV Phan Thanh Hùng. Có thể ông Hùng không sao chép chiến thuật của HLV Calisto, nhưng cách tổ chức đội bóng thì rõ ràng, đấy là hình hài của Gạch ngày nào.
Ba năm làm ở HN T&T, ông Hùng xây dựng nên một đội bóng không có quá nhiều điểm mạnh nhưng lại rất ít điểm yếu. Con người của HN T&T không quá xuất sắc nhưng họ đều làm chủ các vị trí quen thuộc. Xét riêng về độ ổn định, chỉ có mỗi SHB Đà Nẵng là cạnh tranh được. Tuy nhiên, sự lệ thuộc quá nhiều vào Gaston Merlo khiến đội bóng của Lê Huỳnh Đức vướng một gót chân achilles.
Điểm chung của 2 đội bóng này quá dễ thấy: bầu Hiển vững niềm tin vào 2 nhà cầm quân họ Lê và Phan như trước kia bầu Thắng đã tin Calisto vậy. Chi tiết đó rất rõ ràng nhưng khổ nỗi, lại chẳng phải ông bầu nào cũng tỉnh táo như bầu Hiển. Đấy là một sự mạo hiểm có toan tính rất rõ và đến thời điểm này, bầu Hiển đã thành công.
o0o
Từ đó mà nhìn đến đội tuyển quốc gia mới thấy rối. Tư duy nhiệm kỳ đã “ăn” quá sâu vào VFF nên các hợp đồng thuê HLV của họ luôn đặt trong hoàn cảnh ngắn hạn.
Hãy xem HLV Prandelli đã làm gì cho đội Italia tại EURO vừa rồi. Đấy là một trong những phiên bản hào hoa và táo bạo nhất của đội bóng Thiên thanh. Prandelli đã mạo hiểm theo một cách bất ngờ nhất và chính ông quyết định tiếp tục cuộc cách mạng của mình đến World Cup 2014, dù đã bóng gió đến chuyện chia tay sau EURO. Luôn có phần thưởng cho người dám thay đổi.
Có lẽ, đó cũng là một bài học cho VFF trong quá trình tuyển chọn HLV nội. Nếu các HLV của chúng ta vẫn còn đang phải cẩn trọng, thì chính VFF nên mở ra một hướng đi bằng cách thuyết phục họ theo một hợp đồng thật dài, thật giá trị. Chính VFF phải là tấm lá chắn cho HLV trước sức ép dư luận chứ không thể hôm nay thế này, mai thế khác như trường hợp của Calisto và Goetz.
Chẳng thể có một hình hài mới, diện mạo mới cho đội tuyển quốc gia nếu không có đủ thời gian và lòng tin cho các HLV nội. Những Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức hay ai khác đều có thể mạo hiểm nhưng với điều kiện họ phải nhận được sự bảo đảm về công việc.
Cứ loay hoay việc kiêm nhiệm hay ngắn hạn mãi thì lấy đâu ra người dám phiêu lưu?
Hồ Việt