Góc nhìn về bản quyền truyền hình: Kinh doanh & từ thiện

Đáp lại tuyên bố chi hết lợi nhuận bản quyền truyền hình cho thể thao Việt Nam của AVG, bầu Kiên lên giọng: “Kinh doanh là kinh doanh, từ thiện là từ thiện”. Nhưng chiêu ra giá, mua lại hợp đồng với giá trên 70 tỷ đồng của VPF nên hiểu là kinh doanh hay từ thiện?
Góc nhìn về bản quyền truyền hình: Kinh doanh & từ thiện

Đáp lại tuyên bố chi hết lợi nhuận bản quyền truyền hình cho thể thao Việt Nam của AVG, bầu Kiên lên giọng: “Kinh doanh là kinh doanh, từ thiện là từ thiện”. Nhưng chiêu ra giá, mua lại hợp đồng với giá trên 70 tỷ đồng của VPF nên hiểu là kinh doanh hay từ thiện?

Cùng thời điểm với cuộc gặp gỡ VPF- AVG, VPF đã ra thông báo, chấp nhận việc giữ nguyên tên gọi giải VĐQG như yêu cầu của Tổng cục TDTT và VFF. Tuy nhiên, rất khéo léo, VPF đã điều đình được với cơ quan quản lý, VPF giữ nguyên tên gọi nhưng họ sẽ chưa thay đổi logo, bảng biển quảng cáo hay áo đấu của các cầu thủ. Nghĩa là trên văn bản, 2 giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam có tên là V-League và giải hạng Nhất, thay vì Super League và V-League 1 như “dự thảo” mà VPF đã phác họa.

Thông qua bóng đá, nhiều doanh nghiệp cũng đang cần quảng bá thương hiệu trên truyền hình. Ảnh: Hoàng Hùng

Thông qua bóng đá, nhiều doanh nghiệp cũng đang cần quảng bá thương hiệu trên truyền hình. Ảnh: Hoàng Hùng

Việc VPF gật đầu với phương án giữ nguyên tên gọi được hiểu là chấp hành chỉ đạo của cơ quan quản lý, nhưng thực tế, toàn bộ logo, bảng biển quảng cáo hay áo thi đấu của 28 CLB vẫn giữ nguyên. Mọi thứ “vẫn y nguyên”, khi cái tên Super League hiên ngang đập vào khuôn ảnh truyền hình và khán giả đến sân.

Cái tài của VPF là ở chỗ đó, bởi giả sử VPF không thuyết phục được Tổng cục TDTT, VFF đồng ý “giữ nguyên tên gọi nhưng không thay đổi logo, bảng biển quảng cáo…” thì VPF sẽ gánh thiệt hại kinh tế rất lớn. Đích thân bầu Kiên từng khẳng khái tuyên bố, trường hợp buộc phải thay đổi tên giải như yêu cầu của cơ quan quản lý, VPF chịu mọi phí tổn phát sinh trong những thay đổi cho 28 CLB.

Đầu óc kinh doanh phải tài như vậy!

o0o

Đảo ngược tình thế là cái tài của các ông chủ VPF. Như cái gật đầu với lời thách sang lại bản quyền truyền hình với giá 70-100 tỷ của AVG, VPF cũng có bài tính đầy biến hóa.

Thực tế là VTV chẳng phải dễ dàng chấp nhận móc hầu bao của mình một cách đẫy tay để lao vào giành giật bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam. Bởi lẽ, cứ đặt nguyên trạng như hiện tại, VTV tốn kém cỡ 5-6 tỷ đồng/mùa để mua bản quyền, trong khi nếu bắt tay với VPF, VTV phải “chi” trên 20 tỷ đồng/mùa. Đấy là một phép tính mà không đơn vị nào dại dột nhúng tay vào, đặc biệt là khi VTV từng có giai đoạn cảm thấy “bỏng tay”, rụt rè đến lạ khi bị các đối tác nước ngoài chào giá bản quyền World Cup hay EURO.

Vấn đề nằm ở chỗ, VTV chỉ tiêu tiền hộ cho các CLB mà VPF là đại diện. Tiết lộ của VTV cho thấy, VTV dùng chính tiền quảng cáo của các CLB để trả tiền bản quyền truyền hình, một khi VPF “giật” lại được từ tay AVG. Trong tình thế hiện tại thì VPF chưa có trong tay bản quyền, nhưng họ đã dùng chính VTV để “ép” AVG trong đàm phán.

Mặt khác so về “hình thức”, bản hợp đồng trên 70 tỷ đồng/3 năm mà VPF nêu ra dường như đã làm xốn xang hơn nhiều khoản tiền 6,6 tỷ đồng mà AVG sẽ trả cho VFF ở mùa bóng 2012. Và quan trọng, với rất nhiều ông chủ đội bóng đang cần quảng bá thương hiệu trên truyền hình, thì việc treo giá khủng trên 70 tỷ đồng và cái cách tiền chảy từ túi này sang túi kia quả là một nghệ thuật kinh doanh hoàn hảo.

Kinh doanh là kinh doanh. Và bóng đá cũng phải được… kinh doanh, nên quyền lợi của ông chủ đội bóng phải đặt vào vị trí số 1 chứ chưa hẳn vì bóng đá Việt Nam. Thấy lợi thì phải làm thôi! 

Thanh Chi

Tin cùng chuyên mục