Bakelants tấn công khi còn cách đích đến khoảng 58 kilomet, anh đã tạo ra khoảng cách 1 phút 3 giây so với nhóm bám đuổi phía sau, và 7 phút 51 giây so với đoàn đông. Nhưng sau đó, tay đua 33 tuổi quê ở vùng Flanders vốn rất nổi tiếng trong các giải đua Classic, đã bị bắt kịp, để rồi anh hụt hơi, tuột xa lại ở phía sau, chỉ cán đích đến với vị trí thứ 15 chung cuộc, thua tay đua thắng chặng 15 đến 3 phút 29 giây.
Sau đó, Conti cũng tấn công khi còn cách đích đến hơn 24 kilomet, có thời điểm anh đã tạo ra được khoảng cách lên đến hơn 6 phút so với đoàn đông. Tuy nhiên, tay đua 26 tuổi quê ở Rome cũng không “bền”. Anh vẫn sớm hụt hơi và cũng bị nhóm đông bắt kịp. Rốt cuộc, anh chỉ có thể cán đích ở vị trí thứ 7 chung cuộc, thua người chiến thắng đến 2 phút 8 giây. Có lẽ, đây cũng là những nỗ lực khả dĩ cuối cùng của Conti.
Trong khi đó, màn tấn công của Peters lại “chất lượng nhất”. Cua-rơ 25 tuổi quê ở Grenoble tăng tốc khi còn cách đích đến 16 kilomet. Anh kéo giãn khoảng cách so với nhóm dẫn đầu, và kể từ đó trở đi, anh đã băng băng lao thẳng về hướng của Rasen-Anthol mà không cần phải quay đầu nhìn lại. Peters đã cán đích đến với thành tích 4 giờ 41 phút 34 giây, nhanh hơn người cán đích thứ nhì là Esteban Chavez (Colombia, Mitchelton-Scott) 1 phút 34 giây.
Đây là chiến thắng đầu tay trong sự nghiệp đua xe đạp đường trường của Peters, quý giá hơn, nó lại là chiến thắng ở đấu trường Grand Tour danh giá, vì thế, anh đang cảm thấy rất là hạnh phúc: “Chuyện này thật tuyệt vời. Tôi không thể tin nổi điều đó. Tôi đã giành được chiến thắng chuyên nghiệp đầu tiên, và nó lại là chiến thắng ở đấu trường Grand Tour nữa chứ. Ở thời điểm đó, tôi nhận ra mình đang nằm trong tốp dẫn đầu với nhiều tên tuổi lớn như là Chaves, rồi Bob Jungels. Nhưng tôi không có tấn công quá sớm. Tôi kiên nhẫn chờ đến thời điểm thích hợp, khi thấy mình thật tươi tắn, sau đó liền tấn công và cố tập trung đến tận cùng”.
“Tôi tấn công khi còn cách đích đến khoảng 15, 16 kilomet, sau đó cố gắng tạo khoảng cách với nỗ lực của mình. Khi chỉ còn cách đích đến 1,5 kilomet, tôi nhận ra mình sẽ làm được. Tôi có thể nghe giọng của Arturas Kasputis (Giám đốc thể thao của đội đua Ag2r-La Mondiale) hét lên qua radio, rằng trong tầm mắt phía sau lưng tôi, không còn ai nữa. Và sau một ngày hôm qua đầy khó khăn (tay đua “hạt nhân” Alexis Vuillermoz bị lên cơn suyễn, Tony Gallopin buộc phải bỏ cuộc vì bị chấn thương đầu gối), chiến thắng này sẽ mang lại cho chúng tôi cơ hội tiếp tục giải đấu với cái gì đó hạnh phúc”.
Trên bảng Tổng sắp cá nhân tranh Áo hồng, “Chàng thái vắt sữa bò” Richard Carapaz (Ecuador, Movistar) đã nâng nhẹ cách biệt lên thành 1 phút 54 giây so với tay đua xếp thứ nhì là Vincenzo Nibali (Italia, Bahrain-Merida). Primoz Roglic (Slovenia, Jumbo-Visma) tạm xếp hạng 3, thua 2 phút 16 giây. Vị trí hạng 4 thuộc về Mikel Landa (Tây Ban Nha, Movistar), anh thua người đồng đội đàn em 3 phút 3 giây. Còn vị trí thứ 4 thuộc về Bauke Mollema (Hà Lan, Trek-Segafredo), thua Carapaz 5 phút 7 giây.