Tham gia diễn đàn có 350 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, đại diện Liên Hợp quốc, tổ chức quốc tế, phi chính phủ, viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận việc tạo lập môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển của các giải pháp kinh doanh sáng tạo- không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội. VCSF 2017 chứng tỏ được sự tương tác hiệu quả khi các đại biểu cập nhật, trao đổi ý tưởng, mô hình và thông lệ kinh doanh bền vững, từ đó khai phá những cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2017- 2020, khu vực công- tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt, chuẩn bị về mặt thể chế chính sách, nguồn lực, giải pháp để sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định.
Phát triển bền vững không phải là "phú quý sinh lễ nghĩa" mà đó là lợi ích của doanh nghiệp. Phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nghiệp vào thị trường thế giới trong tương lai, là lời khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch VBCSD. Ông Lộc chia sẻ thêm: Trong thời gian tới, VCCI giao Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Kinh tế tuần hoàn, nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4.500 tỷ USD do Kinh tế Tuần hoàn mang lại.
Tiếp nối những nội dung chia sẻ của lãnh đạo các Bộ, ngành, VCCI và doanh nghiệp tiêu biểu, trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch VBCSD phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững Việt Nam lần thứ 4 năm 2017
Tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp cuối diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chia sẻ: Phát triển nhanh nhưng không phải bằng mọi giá. Cách mạng 4.0 nhiều người lo mất việc nhưng chúng ta cần tạo được nhiều việc làm hơn. Muốn năng suất cao hơn phải làm gì? Người sống ở nông thôn vẫn nhiều, thời gian nông nhàn nhiều nên cần tạo được việc làm để tận dụng những điều này. Muốn tạo nhiều việc làm thì cần có nhiều doanh nghiệp. Chúng ta phải tập huấn cho người làm từ người làm phần mềm đến người trồng rau; đào tạo kỹ năng; quản trị… như vậy năng suất lao động sẽ tăng lên. Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cách nói phát triển bền vững với nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn còn cao siêu, chỉ là sân chơi cho các doanh nghiệp lớn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Khái niệm phát triển bền vững cần phải nôm na hoá với mọi người, từ người nông dân cũng hiểu. Diễn đàn cần chọn lĩnh vực cụ thể như môi trường, nền kinh tế tuần hoàn… để phát triển bền vững thực sự hiệu quả.