Đường lớn đã mở cho thể thao Việt Nam

Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Chiến lược) vừa được Chính phủ phê duyệt đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho Thể thao Việt Nam (TTVN) ở cả đấu trường SEA Games, Asiad trong ngắn hạn cũng như các chỉ tiêu quan trọng cho tầm nhìn 2045 đó là vào tốp 15 Asiad, tốp 50 Olympic, cùng với số lượng huy chương khá chi tiết.

Thể thao Việt Nam xác định các mục tiêu thành tích cao ở Asiad và Olympic trong giai đoạn phát triển mới
Thể thao Việt Nam xác định các mục tiêu thành tích cao ở Asiad và Olympic trong giai đoạn phát triển mới

Đây là những căn cứ quan trọng, xem như Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ngành thể thao nhằm đáp ứng đòi hỏi của đất nước trước kỷ nguyên phát triển mới, đồng thời cũng là yêu cầu chuyển đổi cho phù hợp với xu hướng thể thao thế giới.

Những chỉ tiêu trong Chiến lược được đánh giá là đầy tham vọng, nhưng cũng thể hiện được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ đối với lĩnh vực TDTT, có “khoan sức” cho ngành thể thao, tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị đặc biệt là khâu đào tạo, huấn luyện VĐV… Điều này vừa là thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm của ngành thể thao để cụ thể hóa các mục tiêu trong chiến lược, tránh tình trạng nêu chỉ tiêu cao nhưng không thực hiện được và đổ lỗi cho khách quan.

Điểm đáng chú ý nhất đối với thể thao thành tích cao đó là Chiến lược liên tục đề cập đến “tầm nhìn Asiad”. Đây là sự khác biệt rất lớn. Trước mắt, ở mục tiêu ngắn hạn, tại kỳ Asiad gần nhất, mục tiêu của TTVN là 5-7 HCV, sau đó sẽ phải thường xuyên duy trì vị trí trong tốp 15, tức là tối thiểu 10 HCV ở mỗi kỳ Á vận hội. Chiến lược cũng đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất đủ điều kiện đăng cai Asiad. Có thể nói, một con đường lớn đã mở ra cho TTVN, trọng tâm của chúng ta không còn là SEA Games mà phải dồn toàn lực cho đấu trường châu Á, cụ thể là thành tích tại Asiad, nơi mà 2 thập niên qua, TTVN chưa cải thiện được vị thế của mình so với các quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á.

Chính phủ đã chỉ đạo, định hướng một tầm nhìn lớn, nhưng làm thế nào để có một “nền thể thao Asiad” với đẳng cấp châu Á, lại là vấn đề không đơn giản đối với thực trạng của TTVN hiện nay, nhất là sau khi tổ chức quản lý vừa chuyển đổi chức năng, vai trò giảm từ Tổng cục thành Cục TDTT. Mặc dù đối tượng thực hiện Chiến lược bao gồm nhiều bộ ngành nhưng đảm nhiệm vai trò tiên phong. “Đứng mũi chịu sào” vẫn là ngành thể thao.

Qua đó, cũng thấy trách nhiệm và khối lượng công việc rất lớn, đặt ra đòi hỏi cấp thiết là ngành thể thao phải nhanh chóng rà soát, đánh giá lại bộ máy quản lý, điều hành. Ưu tiên cho việc chuyển đổi công nghệ trong khâu đào tạo, huấn luyện để tối ưu ngân sách được cấp hàng năm. Nói cách khác, với bộ máy đang tinh gọn hiện nay, chất lượng của con người thể thao từ cán bộ quản lý đến đội ngũ HLV và năng lực điều hành ở các liên đoàn/hiệp hội phải được nâng cao. Nhân sự không nhiều mà làm việc theo kiểu cũ, quan liêu, thiếu sự giám sát thì rất khó để TTVN tạo ra được uy tín để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia chia sẻ, chưa nói đến việc thuyết phục những bộ ngành liên quan hỗ trợ các cơ chế tốt cho thể thao.

Con đường lớn, khó khăn nhiều, trong khi mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam không bằng ngay với một số nước trong khu vực chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục, điều đó buộc TTVN vừa phải tận dụng tối đa các chính sách mới mẻ của Chiến lược, vừa có sự quyết liệt, dồn lực trọng tâm thay đổi từ bộ máy đến cách làm đối với thể thao đỉnh cao.

Tin cùng chuyên mục