Ra mắt hoành tráng
Sự kiện ra mắt Đua xe F1 ở Hà Nội vào hôm qua, thứ Tư 7-11, đã diễn ra một cách hoành tráng. Đó chính là “khúc đề pa” cho một kế hoạch, một chặng đua đầy hứa hẹn, đầy tốc độ ở tương lai thật gần phía trước. Cái cảm giác thích thú, được tận mắt chứng kiến những chiếc xe đua đầy màu sắc, những cú tăng tốc hơn 300 kilomet giờ nghẹt thở và mãn nhãn, những pha ôm cua – vượt qua mặt nhau đầy ngoạn mục, những “cú drift” khét lẹt, cháy mặt đường đua, rồi những Hamilton, Vettel bằng xương bằng thịt, hiển hiện ngay trước mắt… đang len lỏi khắp tâm tưởng những Fan hâm mộ đua xe trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Những chuyến hành trình tuy không xa, nhưng phải trải qua khá nhiều nhiêu khê, rắc rối, để đến với những quốc gia như Singapore, Malaysia trong quá khứ, nhằm thỏa khát vọng xem tận mắt các chặng đua Grand Prix F1 của các tín đồ mê thể thao tốc độ Việt Nam, giờ đây đã được rút ngắn một cách bất ngờ. Ngay cả ở TPHCM, chỉ cần 1 chuyến bay chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, bạn đã có thể được ngồi ngay ngắn ở khán đài của Khu Mỹ Đình, chễm chệ xem Hamilton tranh hùng cùng Vettel, bên cạnh những tay đua khét tiếng khác như Max “điên” Verstappen, Kimi Raikkonen, Fernando Alonso… chẳng hạn.
Buổi lễ ra mắt hoành tráng, với những màn trình diễn đầy màu sắc của ánh sáng, của âm thanh, những bước đi điệu đà của nhiều người đẹp Việt Nam trong các tranh phục áo dài đặc sắc với họa tiết là quốc kỳ các quốc gia góp mặt ở các chặng đua Grand Prix, bên cạnh sự hiện diện của cựu tay đua F1 người Scotland danh tiếng lẫy lừng cả một thời – ông David Coulthard (13 lần giành chiến thắng các chặng đua Grand Prix), chỉ là màn khởi đầu của một vận hội rất lớn, rất… nhanh và rất nghẹt thở mà chắc chắn sẽ làm ngất ngây giới mộ điệu đua xe nói riêng, và giới hâm mộ thể thao nói chung của đất nước hình chữ S, kể từ năm 2020 trở đi. Thời gian đang được đếm từng ngày, chứ không phải từng tháng!
Đường đua ngoạn mục
Một trong số yếu tố cấu thành sự hấp dẫn của một chặng Grand Prix trong đua xe F1 đó chính là độ khó và sự trúc trắc của đường đua. Đa phần, những đường đua được xây dựng trong các khu liên hợp tốc độ riêng, dành riêng cho những môn thể thao tốc độ tối đa như đua xe mô tô, đua xe ô tô thể thao, đua xe F1… luôn là những đường đua mang lại kịch tính, hấp dẫn, với những pha qua mặt đoạt ngôi bất ngờ, những tình huống ôm cua ngoạn mục, hay thậm chí nhiều pha mất lái, trượt đường, “lọt khe”.
Giới hạn của những đường đua dựa trên đường phố có sẵn, như Singapore Grand Prix (Marina Bay Street Circuit), Azerbaijan Grand Prix (Baku City Circuit), Malysian Grand Prix (Kuala Lumpur Street Grand Prix) trong quá khứ… là thiếu sự biến ảo, có quá nhiều khúc cua 90 độ (kiểu các ngã 4 giao lộ thông thường) buồn tẻ. Đường đua ở Marina Bay Street Circuit thậm chí còn được đánh giá là rất khó có những cuộc lật đổ vì khá hẹp về chiều rộng mặt đường đua và có nhiều khúc cua giống nhau, lập đi lập lại, khiến những tay đua ở phía sau khó đảo ngược tình thế với những tay đua xuất phát ở vị trí dẫn đầu.
Tuy vậy, đường đua xung quanh khu vực sân Mỹ Đình đã được các chuyên gia F1 nghiên cứu và đua thử nghiệm trên máy tính, được đánh giá ở mức hàng đầu về độ hấp dẫn. Tổng lộ trình của đường đua là 5,565 kilomet, với 1,5 kilomet đường đua thẳng tắp, nơi các tay đua có thể “đạp cứng ga” để đạt được tốc độ cực đại lên đến 335 km/giờ. Đoạn đường này là cơ hội để khán giả Việt Nam chứng kiến sức mạnh công suất, và tốc độ cực nhanh của những nhãn hiệu xe đua F1 hàng đầu thế giới như Mercedes, Ferarri, Red Bull, dễ khiến người ta liên tưởng đến các pha tăng tốc xe ô tô độ bằng NOS khi đua trên đường thẳng trong các cảnh quay của loạt phim đua xe nổi tiếng của Hollywood là “Fast and Furious”.
Có người ví von rằng, cảnh các tay đua vượt mặt nhau ở đường đua tại Monaco, xung quanh là những kiến trúc sang trọng và bắt mắt ở xứ Công quốc, sẽ có khác biệt rất lớn với cảnh các tay đua qua mặt nhau, xung quanh là những… gánh hàng rong, những cánh đồng rộng mênh mông ở Mỹ Đình. Nhưng e rằng, đến thời điểm đó, những gánh hàng rong, những cánh đồng mênh mông sẽ bị che khuất hoàn toàn bởi những khán giả đam mê các môn thể thao đua tốc độ cuồng nhiệt.
Trên đường phố TPHCM và Hà Nội, không khó để nhận ra những chiếc mô tô thể thao đắt tiền, những siêu xe ô tô thể thao cả 4 cửa lẫn 2 cửa của những hang xe nổi tiếng nhất thế giới, cả phiên bản nguyên mẫu lẫn những phiên bản đã được độ lại, qua lại như mắc cửi trong sự trầm trồ của cả những người dân không chơi xe. Không có lý do gì mà chặng đua F1 đầu tiên ở đất nước hình chữ S không được chào đón ở đất nước khao khát môn đua xe đến điên cuồng, với những giải đua mô tô 125 phân khối vốn đã thu hút hàng chục ngàn người kéo đến chật kín khán đài các SVĐ. Hà Nội vào 2 năm nữa, sẽ thu hút một lượng du khách nội địa khổng lồ.
Tất nhiên, hoài nghi luôn được luôn đặt lên bàn cân. Tại sao Malaysia “bỏ của chạy lấy người” sau những lần tổ chức Grand Prix của F1? Lợi nhuận ở đâu khi chi phí đầu tư, quảng bá hình ảnh là quá lớn, ở một môn thể thao có sự đầu tư tài chính lớn nhất cho những người tham gia, không đơn thuần chỉ là “mua áo, mua giày, cải tạo mặt sân” như trong bóng đá. Nhưng hãy hướng về phía trước, như những pha tăng tốc không thể chậm hơn của Hamilton. Hãy cùng chờ xem, Đua xe F1 sẽ tạo nên cú hích gì, không chỉ cho thể thao, mà còn cho xã hội – kinh tế của Việt Nam.