Đội tuyển Việt Nam và hành trang cho Futsal World Cup 2024
SGGPO
Đội tuyển Việt Nam vừa khép lại hành trình đầy tự hào ở Futsal World Cup 2021. Dẫu vậy, giải đấu tiếp theo sau đây 3 năm hứa hẹn nhiều khó khăn, và bắt buộc hệ thống futsal Việt Nam cần không ngừng phát triển nếu muốn tiếp cận ở đẳng cấp cao hơn.
Có một ý kiến đáng suy nghĩ rằng, muốn xây dựng đội tuyển quốc gia vững mạnh, hệ thống các giải đấu trong nước phải phát triển. Điều này không hẳn chính xác hoàn toàn, nhưng là tiên quyết để khởi đầu cho sự thành công của cấp đội tuyển quốc gia. Mỗi nền futsal đều có phong cách riêng. Tôi lấy ví dụ về Giải VĐQG tại Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia hay Nhật Bản, họ đang thuê các cầu thủ và HLV nước ngoài, hầu hết đến từ Tây Ban Nha và Brazil để không chỉ nâng cao chất lượng giải đấu, đồng thời còn giúp các cầu thủ bản địa được cọ xát, nâng cao chuyên môn.
Việt Nam - một quốc gia có nền futsal mạnh ở châu Á chưa cho phép ngoại binh thi đấu ở Giải VĐQG, nhưng đã có sự đầu tư lớn vào các HLV nước ngoài, khởi đầu từ Thái Lan, đến Italia, và hiện Tây Ban Nha. Như các bạn thấy rõ kết quả với 2 lần liên tiếp lọt vào vòng 1/8 Futsal World Cup của đội tuyển Việt Nam.
Thái Sơn Nam có sự kết hợp đầy ăn ý giữa các HLV trong nước và Tây Ban Nha. Ảnh: ANH TRẦN
Hành trang nghề nghiệp của HLV Phạm Minh Giang cũng đến từ việc được trực tiếp tiếp cận các buổi tập của đội tuyển Việt Nam, Thái Sơn Nam dưới thời Bruno Garcia và Miguel Rodrigo - những HLV người Tây Ban Nha có kiến thức giỏi, giàu kinh nghiệm, và làm việc đầy trách nhiệm. Từ đó, cậu ấy đến gần hơn với lối chơi hiện đại của futsal, tích lũy thêm kiến thức. Trong khi các cầu thủ Việt Nam được phát triển về mặt trình độ, thái độ tự tin để có thể chủ động được các cuộc chơi quốc tế.
Tôi nghĩ rằng, chỉ mời HLV nước ngoài thôi vẫn chưa đủ. Phải tạo điều kiện cho phép ngoại binh vào thi đấu để có thể nâng cao hơn chất lượng Giải VĐQG. Chỉ như vậy mới thấy được đẳng cấp của cầu thủ nội nằm ở đâu để có hướng phát triển. Tất nhiên, nếu muốn có ngoại binh thì bản thân CLB phải có được nguồn kinh tế vững. Điều này cần có sự quan tâm hơn nữa đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Các bạn cần đầu tư nhiều vào tiếp thị, và làm cho futsal trở nên hấp dẫn hơn đối với mọi người.
Thủ môn Hồ Văn Ý là cầu thủ Việt Nam thi đấu xuất sắc nhất Futsal World Cup 2021. Ảnh: GETTY
Về cấp đội tuyển Việt Nam, nên tiếp tục chiến lược xen kẽ giữa cầu thủ trẻ và dày dặn kinh nghiệm, điều mà các bạn đang làm rất tốt hiện tại. Tôi hy vọng vào Phạm Đức Hòa, Trần Thái Huy, Lê Quốc Nam... tiếp tục thi đấu cho kỳ Futsal World Cup tiếp theo. Đơn giản, họ vẫn còn quá trẻ so với tuổi nghề futsal - điều ở futsal Việt Nam, cầu thủ trên 30 tuổi còn thi đấu rất hiếm, nếu so với Tây Ban Nha, Brazil, hay gần nhất Nhật Bản (các đội mạnh dự World Cup đều có 4-8 cầu thủ ngoài độ tuổi này).
Ngoài ra, futsal Việt Nam còn rất nhiều ngôi sao còn rất trẻ như Hồ Văn Ý, Châu Đoàn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Nhan Gia Hùng - tất cả vừa trải qua kỳ Futsal World Cup đầu tiên đáng nhớ. Hay các bạn vẫn còn Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thịnh Phát, Huỳnh Mi Woen... sẽ trưởng thành hơn trong ba năm tới, và sẵn sàng tranh giành một suất cùng đội tuyển Việt Nam hướng đến Futsal World Cup 2024. Futsal Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ đầy tiềm năng cho khoảng thời gian 5 năm tiếp theo đầy hứa hẹn, nhưng phải với điều kiện cần sự đầu tư lớn hơn.
Dàn ban huấn luyện kết hợp Việt Nam - Tây Ban Nha của đội tuyển futsal Việt Nam. Ảnh: ANH TRẦN
Các bạn đã phát triển, nhưng nếu hài lòng với hiện tại sẽ thất bại trong tương lại. Futsal Việt Nam còn cả một chặng đường rất lớn để trước mắt tiếp cận được Thái Lan, Nhật Bản, và rút ngắn khoảng cách với Iran, Argentina, Brazil, Tây Ban Nha hoặc Nga. Nếu hệ thống futsal Việt Nam cùng chung tay, tôi tin rằng, các bạn sẽ thành công hơn nữa ở kỳ Futsal World Cup tiếp theo.