Đội tuyển... bơ vơ

Cứ thế này, ai tài trợ?

Nói thế có vẻ hơi quá, nhưng nhìn thầy trò ông Hoàng Văn Phúc đá giao hữu với SV Hàn Quốc trên sân Hàng Đẫy có sức chứa 20.000 chỗ ngồi chỉ le ngoe vài trăm người xem là đủ hiểu. Tối nay, trên sân Mỹ Đình chắc chắn tình cảnh còn tồi tệ hơn nhiều khi nơi này có sức chứa gấp đôi sân Hàng Đẫy, còn đá vào lúc người dân chuẩn bị đi ngủ thì hỏi đội tuyển Việt Nam sống sao cho nổi.

Thật đắng lòng, những gì gọi là tinh hoa của nền bóng đá lại bị người hâm mộ chối bỏ như đứa con vô thừa nhận. Có nhiều tờ báo chuyên ngành thể thao lẫn những tờ báo chính trị - xã hội từng có lúc ưu ái đội tuyển thì nay cũng nản lòng, mỏi mệt. Các thông tin khá ít ỏi về trận đấu với SV Hàn Quốc mới rồi cũng chỉ gói trong vài dòng ngắn ngủi, ngoại trừ tờ báo “nhà” cố nâng cho thầy trò ông Phúc.

Đội tuyển Việt Nam sống sao được khi hiện tại không nhiều sự kiện thể thao, chỉ với giải V-League nhưng các báo vẫn làm ngơ, ngoảnh mặt, còn khán giả cả nước càng thêm ngán ngẩm nếu nhắc tới dàn cầu thủ như đoàn quân rệu rã.

Xét cho cùng, lỗi không hoàn toàn nằm ở tập thể gần 30 con người đang tập trung trên tuyển. Cái chính là ở những người làm bóng đá của ta đã tính toán sai lầm, hay nói thẳng là tư duy quá ấu trĩ với lối suy nghĩ “chẵn-lẻ”. Nên bây giờ thì chẵn hay lẻ cũng trắng tay mà nói như một số khán giả là VFF giỏi tính năm chẵn, năm lẻ quá mà nền bóng đá mới ra khổ sở.

Niềm tin vào đội tuyển của người hâm mộ cũng loe ngoe như số khán giả đến sân Hàng Đẫy ở trận ĐTVN gặp SV Hàn Quốc. Ảnh: Minh Hoàng

Niềm tin vào đội tuyển của người hâm mộ cũng loe ngoe như số khán giả đến sân Hàng Đẫy ở trận ĐTVN gặp SV Hàn Quốc. Ảnh: Minh Hoàng

Lúc này là năm 2014, nhưng đội tuyển Việt Nam hiện tại không có gì tươi mới mà nó chính là những hậu quả của năm cũ còn lại chưa có ai dọn dẹp. Trong một năm mà ông chủ tịch ưu tiên cho U23 Việt Nam đá ở SEA Games 27, rồi để đội tuyển Việt Nam bơ vơ nhưng tới lúc đánh hơi chẳng mần ăn được gì lại bỏ của chạy lấy người, thì còn ai đủ dũng cảm để đứng ra làm tiếp những gì ông bày ra trước đó. Bên cạnh là giải đấu V-League cứ thấp tha thấp thỏm với nguy cơ vỡ giải, bạo lực, thiếu công bằng khiến một số ông chủ đội bóng mỏi mệt, mất lòng tin vào những người điều hành bóng đá.

Còn cầu thủ ở đây cũng chẳng hay ho gì cho lắm. Nhiều người tỏ ra tinh quái khi ngửi được sân chơi nào đem lại lợi nhuận thì bung sức đá, còn chỗ nào lãnh đạo gạt qua mình cũng co vòi và buông mình theo mấy sếp. Đơn cử như đội tuyển Việt Nam sau trận thua Hong Kong (TQ) hồi lượt đi. Lúc đó tình hình không mấy sáng sủa cùng thông tin đội tuyển chỉ còn đá vòng loại Asian Cup như thủ tục thì những trận sau nhiều cầu thủ xúm vô phá bằng lối đá bạo lực, phi thể thao khiến các đội cùng bảng lắc đầu ngao ngán.

Một đội tuyển quốc gia tập trung trở lại mà lãnh đạo chỉ gặp gỡ chiếu lệ, qua loa do bàn cờ thế của VFF đang có nguy cơ xóa đi sắp lại ở các ghế thì làm sao thầy trò ông Phúc đá hết mình một lần vì khán giả?

Sau trận đấu “trắng” khán giả trên sân Hàng Đẫy, chúng tôi đồ rằng, trong đầu các cầu thủ chỉ mong 90 phút đêm nay trôi qua thật nhanh để họ còn nghỉ ngơi chuẩn bị cho “nồi cơm” V-League. Chẳng biết có vị lãnh đạo nào xót lòng vì đội tuyển mang tiếng QG nhưng bị người hâm mộ quay lưng!

ĐỨC DŨNG

Cứ thế này, ai tài trợ?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần tài trợ, quảng cáo của đội tuyển quốc gia do Công ty Dentsu (Nhật Bản) đảm nhiệm. Nhờ uy tín của một trong những công ty quảng cáo hàng đầu thế giới này mà đội tuyển Việt Nam được “gán duyên” với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Honda, Panasonic, JCB… Đổi lại, VFF phải làm nghĩa vụ là đội tuyển thi đấu mỗi năm trên 6 trận để hình ảnh các nhà tài trợ được xuất hiện.

Nhưng sau khi đã “giao khoán” và nhận “một cục” tiền từ Dentsu, VFF có vẻ cẩu thả trong nghĩa vụ của mình. Năm ngoái, đội tuyển Việt Nam chỉ có 2 trận giao hữu trong khi đội U23 thì đá nhiều hơn nhưng chỉ có 1 trong số đó là do VFF chủ động tổ chức (các trận đấu tại Cúp TPHCM, BTV Cup đều do người khác làm và đội tuyển đóng vai trò khách mời). Như vậy, về số trận để “trả quyền lợi” là đủ nhưng chất lượng thì quá tệ.

Đây là lý do mà dù tham gia tài trợ cho đội tuyển Việt Nam nhưng các thương hiệu nổi tiếng đều không tận dụng điều này để làm thương hiệu cho mình. Có vẻ như họ tham gia vì “nể” Dentsu hơn là cảm thấy đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng.

Nếu thật sự như vậy thì cũng chẳng phải bất ngờ. Cứ xem cách mà VFF tổ chức trận giao hữu với Sinh viên Hàn Quốc thì biết. Nếu tham gia tài trợ trận đấu này, chỉ  càng khiến thương hiệu xuống giá chứ chẳng lợi lộc gì. Đấy là chưa nói, đến thời điểm này, VFF thậm chí còn chưa có kế hoạch thi đấu của năm 2014 cho đội tuyển quốc gia. Cứ làm như vậy, ai “dám” tài trợ bóng đá Việt Nam?!

Việt Long

Tin cùng chuyên mục