Xung quanh những vụ bạo lực tại Cúp Quốc gia 2012

Điếc không sợ súng!

Những vụ lùm xùm bạo lực ở tứ kết Cúp Quốc gia 2012 khiến dư luận như sôi lên. Dẫu vậy, nếu cứ theo đà “cải tiến” của VPF và Ban kỷ luật, SLNA, Thanh Hóa và Ninh Bình có gì phải ngán…
Điếc không sợ súng!

Những vụ lùm xùm bạo lực ở tứ kết Cúp Quốc gia 2012 khiến dư luận như sôi lên. Dẫu vậy, nếu cứ theo đà “cải tiến” của VPF và Ban kỷ luật, SLNA, Thanh Hóa và Ninh Bình có gì phải ngán…

  • Nghỉ Cup, không nghỉ Super League

Trước loạt trận tứ kết Cúp Quốc gia 2012, tiền đạo Samson Kayode dính án phạt nguội, treo giò 2 trận. Tuy nhiên, đến trận tứ kết Cúp Quốc gia gặp SQC.Bình Định, chân sút người Nigeria vẫn ra sân. Lý do đơn giản: tiền đạo của Hà Nội T&T chỉ bị phạt treo giò ở Super League, còn Cúp Quốc gia thì… vô tư.

Trái ngược với tình cảnh của Samson, Timothy và Hoàng Vissai đã đối đáp với nhau bằng chân tay ở vòng 1/16 Cúp Quốc gia 2012. Tuy nhiên, Ban kỷ luật cũng chỉ xử treo giò 2 trận và giới hạn chịu thi hành án chỉ nằm ở Cúp Quốc gia. Có nghĩa như Timothy, nếu còn chơi bóng ở Việt Nam thì đến mùa 2013, tiền đạo người Nigieria mới chịu án treo giò ở sân chơi này. Còn tại Super League, tiền đạo của đội bóng do bầu Kiên sở hữu cứ ung dung chơi bóng.

Việc VPF và Ban kỷ luật chỉ xử lý kỷ luật cầu thủ giới hạn trong từng giải đấu - kẽ hở cho các đội bóng không hề ngán ngại. Ảnh: Khánh Hòa

Việc VPF và Ban kỷ luật chỉ xử lý kỷ luật cầu thủ giới hạn trong từng giải đấu - kẽ hở cho các đội bóng không hề ngán ngại. Ảnh: Khánh Hòa

Việc xử lý kỷ luật chỉ giới hạn trong từng giải đấu được Tổng Giám đốc kiêm Trưởng BTC Cúp Quốc gia 2012 VPF Phạm Ngọc Viễn gọi là “một bước cải tiến trong điều hành, quản lý giải đấu”. Ông Viễn cũng phủ nhận những tiền lệ trong quá khứ, kiểu Hải Phòng vi phạm ở V-League nhưng bị treo sân, thi hành án ở Cúp Quốc gia. Bởi ông Viễn cho rằng, xử lý kỷ luật kiểu vậy là bất hợp lý và Ban kỷ luật phải cải tiến theo hướng án giải nào, chịu giải đó.

Tất nhiên, trường hợp thẻ đỏ của Hoàng Thịnh, Đức Huy (trận SLNA - Ninh Bình) hay vụ tẩn nhau giữa Sunday và Kesley (Sài Gòn FC - Thanh Hóa) chưa đến mức độ đặc biệt nhạy cảm. Chính vì vậy, người ta cũng sẽ mường tượng ra cảnh, tất cả những cầu thủ này bị treo giò ở Cúp Quốc gia. Nếu vậy, trừ những cầu thủ thuộc đội bóng lọt vào đến bán kết, số còn lại… vô tư, dưỡng sức cho Super League.

  • Ngán gì?

Câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý Super League, Cúp Quốc gia: Cách nào cho những cầu thủ vừa gây hấn, chơi bạo lực ở tứ kết Cúp Quốc gia hướng thiện? Rõ ràng, với tiền lệ sẵn có, chắc chắn Ban kỷ luật không dám phá đổ thành quả “cải tiến” mà họ vừa đưa ở vòng đấu trước của Cúp Quốc gia. Chỉ có thực tế, Thanh Hóa, SLNA hay Sài Gòn FC, dẫu có lùm xùm tranh cãi thì cũng đâu quá ngán, khi án chỉ nằm ở Cúp Quốc gia.

Thật ra, các nhà tổ chức cố gắng không phân biệt đẳng cấp của Super League và Cúp Quốc gia. Nhưng bao mùa nay, kể cả khi Cúp Quốc gia nóng như lửa vì những pha đấu võ tay chân, Cúp Quốc gia cũng chỉ là sân chơi hạng 2 của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, nếu án phạt của Ban kỷ luật có nặng đến cỡ nào, chỉ giới hạn trong khuôn khổ Cúp Quốc gia mà không ảnh hưởng đến sức mạnh ở Super Cup thì không có đội bóng nào ngán ngẩm.

VPF và Ban kỷ luật đang ngắm và thực hiện những cải tiến trong cung cách điều hành, tổ chức giải. Nhưng càng cải tiến, dấu hiệu thành công lại tít mù. Nói đúng hơn, chính VPF và Ban kỷ luật đang vô tình biến các đội bóng vào thế bịt tai mà chơi.

Điếc thì có bao giờ sợ súng?!

 Ngọc Linh


Ban tổ chức sân Thống Nhất họp bàn về công tác an ninh: Chuẩn bị phương án đón CĐV Hải Phòng

Đại diện của cả 3 đội bóng của TPHCM gồm Sài Gòn FC, Navibank Sài Gòn và CLB TPHCM sẽ có buổi họp cùng Ban tổ chức sân Thống Nhất vào hôm nay để bàn về công tác an ninh từ lượt trận thứ 4 sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Trước đó là việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm những sự cố đã xảy ra sau trận đấu giữa Sài Gòn FC - Thanh Hóa ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia.

Sau sự cố trong trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa, BTC sân Thống Nhất sẽ thắt chặt an ninh từ trận đấu tới. Ảnh: Q.L

Sau sự cố trong trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa, BTC sân Thống Nhất sẽ thắt chặt an ninh từ trận đấu tới. Ảnh: Q.L

Theo ghi nhận thì BTC sân đã làm tốt ở vòng trong, với lực lượng khoảng 70 cảnh sát cùng với vệ sĩ đã ngăn chặn được việc khán giả xuống sân, hỗ trợ giám sát, trọng tài ngăn chặn tình huống lộn xộn vào cuối trận. Ngoài ra, sau khi kết thúc trận đấu, lực lượng cảnh sát chốt chặn cửa ra vào khán đài A cũng như dàn hàng ngang trước cổng chính để tách khán giả quá khích ra xa khu vực sân đậu xe trước cổng khán đài A. Nhưng sự quá khích của khán giả thật khó lường trước và cũng có phần lỗi từ chính một số cầu thủ Thanh Hóa khi có hành vi khiêu khích khán giả từ trong sân cũng như khi lên xe ra về. Như trường hợp hậu vệ Lê Xuân Anh chỉ thẳng tay lên khán đài “đáp trả” với các khán giả đã làm căng thêm tình hình.

Ông Trần Đình Huấn, Tổng thư ký HFF kiêm Giám đốc Trung tâm thể thao Thống Nhất cho biết, BTC đã có phương án tăng hoặc giảm lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tùy theo tính chất của từng trận đấu. Nhưng ở trận Sài Gòn FC gặp Hải Phòng vào cuối tuần này, chắc chắn lực lượng sẽ được tăng cường thêm sau sự cố vừa qua. Mặt khác, CĐV của đội Hải Phòng cũng không phải dễ bị “bắt nạt” dù đến cổ vũ trên sân khách cho nên những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa trong trận đấu này cũng là điều không thừa.

Nhiều phương án để thuận lợi hơn trong việc kiểm soát khán giả vào sân cũng sẽ được đưa ra để tìm giải pháp. Như việc có tiếp tục mở cửa tự do ở các khán đài B, C và D cũng như các Hội CĐV cũng phải có trách nhiệm quản lý hội viên của mình tốt hơn nhằm ngăn chặn những rủi ro. Như trường hợp xe đội Thanh Hóa bị ném vỡ kiếng, chưa có bằng chứng là do CĐV đội Sài Gòn FC ném vào mà có thể là khán giả không thuộc sự quản lý của Hội, nhưng việc siết chặt quản lý từ các Hội CĐV cũng là điều cần làm.

HOÀNG GIANG


Mở cửa tự do hay phát vé mời?

Một trong những vấn đề mà BTC sân Thống Nhất và các đội bóng bấy lâu chưa tìm được tiếng nói chung là liệu có nên mởû cửa tự do như hiện tại hay phát vé mời để có được sự kiểm soát tốt hơn? Một quan chức của HFF cho rằng nếu không bán vé thì cần phát vé mời chứ không nên mở cửa tự do bởi khó quản lý.

Nhưng về phía đội bóng cũng có một số ý kiến trái ngược. Trước hết là cả 3 đội đang có cùng tiêu chí là thu hút sự quan tâm của khán giả, chấp nhận giảm nguồn thu từ tiền vé để mở cửa tự do cho khán giả vào sân ngoài việc bán vé hoặc phát vé mời ở khán đài A. Một lãnh đội cho biết: “Tôi cũng từng nghĩ đến phương án phát vé mời, nhưng sau khi chứng kiến cảnh các phe vé cầm cả xấp vé mời khán đài A để bán thì tôi xóa ngay ý nghĩ đó”. Có thể người có vé mời nhưng không đi xem mà đem bán lại, trong khi những người hâm mộ muốn vào xem lại phải mua lại vé mời đó thì cũng là điều đáng suy nghĩ.

Q.H


VFF LO LẮNG KHẢ NĂNG TỔ CHỨC GIẢI CỦA VPF

Hôm qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận, ông và lãnh đạo VFF đang lo lăng về khả năng điều hành, tổ chức các giải đấu của VPF. Ông Hỷ nhận định, ở những mùa giải trước, VFF điều hành và tổ chức giải thì VFF luôn mời rất nhiều bộ phận, cơ quan liên quan như cơ quan an ninh, thanh tra Bộ VH-TT-DL phối hợp làm việc… còn thực tế lúc này chỉ có VPF điều hành, tự quản lý và tổ chức. “Nếu không lo lắng là không đúng”, ông Hỷ nói.

Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, suốt thời gian qua, VFF đã tạo điều kiện tối đa cho VPF trong khâu quản lý. Những nhân sự có chuyên môn, khá nhất của VFF đều đã được biệt phái sang VPF làm việc. Thế cho nên, vấn đề lúc này chỉ là tư duy, cách làm và sự quản lý của lãnh đạo VPF.

Ông Hỷ cho hay, sau khi VPF nhận quyền tổ chức, quản lý và điều hành các giải đấu, VFF hoàn toàn không nhận được báo cáo chuyên môn nào sau mỗi vòng đấu. Một phần là do VPF không cần Ban chỉ đạo các giải đấu, giống như quy trình mọi năm khi VFF đảm đương. Phần nữa, các giám sát cũng đã thay đổi, không báo cáo về cho VFF mà chỉ tập trung báo cáo cho VPF. Thế cho nên, mọi việc đều phải theo dõi thông qua báo chí, dư luận.

Dẫu sao, VFF hiện đang lo lắng về khả năng điều hành, tổ chức giải của VPF. Vì vậy, ông Hỷ tiết lộ: “VFF không được báo cáo nhưng chúng tôi vẫn theo dõi sát sao. Trường hợp những vòng tới, VPF quản lý và điều hành giải mà vẫn xảy ra sự cố, VFF sẽ có quan điểm về cách quản lý, tổ chức, điều hành giải của VPF”.

G.Minh

>> Báo động... chuyện cũ!

Tin cùng chuyên mục