Đi lòng vòng

1. Đồng Tâm Long An vừa chính thức chuyển đổi tên thành CLB bóng đá Long An. Như vậy, kể từ sau khi Gạch Đồng Tâm tiếp nhận năm 2001 đến nay, đi một vòng, từ chỗ có “Gạch”, rồi hết “Gạch” giờ trở lại như xưa. Sự khác biệt nằm ở chỗ, đội Long An trước đây là của tỉnh, nay thuộc về một công ty cổ phần với sự tham gia của 10 doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo giải thích của người trong cuộc thì đây là xu thế. Với nhiều cổ đông góp vốn và mô hình hoạt động cổ phần thì khả năng thu hút tiền cho sự phát triển của CLB sẽ tốt hơn so với lúc mà 70% ngân sách do Tập đoàn Đồng Tâm bỏ ra. Sự tồn tại của CLB vì thế cũng bền vững hơn bởi nếu trước đây, “lỡ” Gạch mà chán bóng đá thì đội bóng sẽ bị xóa sổ ngay lập tức, còn bây giờ, việc đó khó xảy ra hơn ngoại trừ trường hợp đa số cổ đông đều rút vốn.

Dù là khó xảy ra thì … vẫn có thể xảy ra. Thậm chí, có người còn cho rằng việc Đồng Tâm mà bỏ bóng đá khó hơn bởi nó có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp trong khi chuyện 5-7 cổ đông rút vốn thì quá đơn giản.

Long An bắt đầu giai đoạn không còn gắn kết thương hiệu Đồng Tâm ở tên gọi. Ảnh: Hoàng Hùng

2. Nếu quan sát kỹ những lần đổi tên của Long An thì sẽ thấy là đội bóng luôn gặp khó khăn về tài chính. Bầu Thắng đã “hy sinh” tên Gạch, cũng chưa ăn thua. Đã “bắn tiếng” sẽ trả về cho tỉnh cách đây 2 năm, cũng chẳng ăn thua. Thành tích của Long An 5 năm qua không khả quan, thế nên việc chuyển đổi mới nhất chưa phải là một tín hiệu lạc quan.

Bởi cần nhìn vào bản chất của vấn đề: Có đổi tới đổi lui thì vẫn chỉ mới tìm nguồn ngân sách hoạt động chứ không phải là kiếm tiền theo kiểu “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Có 10 doanh nghiệp góp vốn thì về bản chất cũng chỉ như một Gạch Đồng Tâm tài trợ, đến một lúc nào đó không hiệu quả, thì cũng có kết cục như nhau.
Tất nhiên, việc đổi tên để nỗ lực duy trì đội bóng thì vẫn tốt hơn là xóa sổ nó. Nhưng câu chuyện khó khăn của Long An có lẽ chưa kết thúc tại đây. Điều quan trọng vẫn là thành tích thi đấu, là khả năng kinh doanh tài trợ - quảng cáo của CLB. Tức là vẫn còn đó một vòng luẩn quẩn.

3. Bản chất của bóng đá Việt Nam đó là chưa thể kiếm tiền từ người hâm mộ. Nguồn thu lớn nhất từ bán vé, có khi còn bị âm do chi phí tổ chức lớn. Nguồn thu kế tiếp là bản quyền truyền hình thì gần như chỉ để “trả quyền lợi” cho nhà tài trợ. Thế nên, cái chính không phải là chuyện đổi tên, đổi hình thức quản lý mà vẫn là làm sao để kiếm được tiền từ các trận đấu chứ không thể cứ xem bóng đá là một loại hình “phục vụ nhu cầu” của người hâm mộ.

Mỗi nền bóng đá có một đặc thù riêng và nếu bóng đá Việt Nam chưa nghĩ ra cách để kiếm tiền thì việc có những doanh nghiệp lớn sở hữu các CLB thì vẫn an toàn hơn. Dù có bỏ ra nhiều tiền cho bóng đá thì các doanh nghiệp đó vẫn có thể thu lợi từ thương hiệu.

Cứ nghĩ đến chuyện mùa bóng 2016 không còn Gạch nữa, là thấy buồn. Nói gì thì nói, đã có thêm một cái tên nữa đi vào dĩ vãng.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục