1. Về lý thuyết, cánh cửa vào bán kết đã mở ra với thầy trò HLV Miura sau trận thắng tưng bừng 5-1 trước Malaysia. Tuy nhiên, đúng theo “truyền thống” của bóng đá Việt, bây giờ mới là phần khó nhất.
Cái khó thứ nhất đó là giữ cho mình sự tỉnh táo. Chiến thắng quá lớn trước Malaysia cần phải nhìn nhận một cách công bằng: Năng lực cá nhân quyết định phần lớn. Trong 5 bàn thắng, có 3 bàn đến từ những tình huống cố định và do một cầu thủ tạo nên, đó là Công Phượng. Tất nhiên, trước khi tạo ra phạt đền, đã có các đường chuyền sắc sảo từ tuyến 2 nhưng cũng phải thấy rằng, cầu thủ phòng ngự của Malaysia non kinh nghiệm trong cả 2 lần cản phá.
Nói như vậy để thấy, chiến thắng là không thể phủ nhận nhưng thắng lớn thì chưa nói thêm được nhiều điều. Cái đáng quý nhất vẫn là sự tỏa sáng của Công Phượng đúng như những gì mà chúng ta chờ đợi. Nhưng một mình Công Phượng vẫn chưa đủ.
Qua 2 trận đấu thành công, các cầu thủ khá thoải mái trong buổi tập chiều qua. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
2. Cái khó thứ hai, đó chính là hoàn cảnh. Sau khi thắng Malaysia, chỉ cần thắng tiếp 2 trận trước Lào và Đông Timor là hoàn thành mục tiêu đầu tiên. Trận đấu với Thái Lan chỉ liên quan đến chiếc vé đầu bảng.
Giữ được một trạng thái thi đấu tốt cho các cầu thủ đội hình 1 sẽ là bài toán khó cho ông Miura. Theo cách huấn luyện của ông thầy người Nhật, có thể sẽ lại thay đổi đội hình ở 2 trận sắp đến. Điều này đem lại cái lợi về thể lực cho những cầu thủ chính thức nhưng lại rất rủi ro cho điểm rơi phong độ.
Với bóng đá Việt Nam, cái điểm kém nhất là đây. Cứ sau một chiến thắng lớn, là trạng thái tâm lý bay bổng. Nếu chúng ta chơi tốt bao nhiêu khi bị đẩy vào thế khó khăn thì lại vất vả bấy nhiêu khi ở trong tình thế thuận lợi. Không một HLV nào muốn xảy ra điều này nhưng ở góc độ cầu thủ thì lại phụ thuộc nhiều vào tính chuyên nghiệp mà họ có. Mà yếu tố này thì lại rất yếu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trận thắng Malaysia cho thấy có những chuyển biến tích cực. Dù đã ghi nhiều bàn thắng nhưng phần cuối trận đấu vẫn thấy Việt Nam duy trì được thế trận, vẫn tấn công theo bài thay vì chuyển sang chơi cá nhân như thường thấy. Tính kỷ luật trong đấu pháp chính là phẩm chất quan trọng nhất mà HLV Miura truyền vào đội sau cú sụp đổ tại Mỹ Đình hồi tháng 12 năm trước.
3. Cái khó cuối cùng: Việt Nam đang được xếp vào hàng ứng viên vô địch. Giới truyền thông khu vực đã không ngần ngại xem chúng ta là đối thủ chính của Thái Lan. Điều đó không có gì bất ngờ, vấn đề nằm ở chỗ, liệu các học trò của HLV Miura có sẵn sàng để chấp nhận tư cách này hay chưa.
Kể từ SEA Games 2009 đến nay, lần đầu tiên Việt Nam có được vị thế không thể bàn cãi này. Sáu năm trước tại Lào, chúng ta cũng đã đánh bại Malaysia và được xem là đội mạnh nhất giải cho đến khi để thua 1 bàn duy nhất trong trận chung kết trước chính Malaysia. Từ đó đến nay, bóng đá Việt Nam đã phải đi tìm lại năng lực của mình trên nhiều cấp độ đội tuyển. Thời gian quá dài ấy liệu có đủ để chúng ta học kỹ bài học tại Vientian?
Hồ Việt