“Phù thủy” hay “Người được chọn”?
Năm nay 51 tuổi, Tohiya Miura là người có tiếng tăm tại bóng đá Nhật Bản. Dù không phải là một cầu thủ xuất sắc nhưng ông là một trong số ít các cầu thủ chơi hơn 400 trận đấu tại giải đấu cao nhất của Nhật Bản. Sau khi giải nghệ ở tuổi 29, Miura quyết tâm theo đuổi sự nghiệp huấn luyện một cách bài bản bằng cách du học tại trường đại học thể thao hàng đầu thế giới ở Cologne - Đức trong thời gian 5 năm rưỡi. Đây chính là nền tảng tạo dựng nên phong cách huấn luyện khoa học và chú trọng ý thức kỷ luật trong thi đấu của Miura.
HLV Miura luôn nghiêm túc và kỷ luật trong việc tập luyện. Ảnh: QUANG THẮNG
Bắt đầu làm HLV chuyên nghiệp từ năm 37 tuổi, Miura đã trải qua 6 CLB khác nhau trong đó có 4 mùa giải dẫn dắt các CLB tại J-League 1 và 2 lần giúp các đội tại J-League 2 thăng hạng J-League 1. Từ đó, Miura được xem là “chuyên gia vượt khó” với khả năng dẫn dắt các CLB nhỏ phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Trước khi sang Việt Nam làm việc, Miura có 2 năm làm bình luận viên truyền hình.
HLV có vẻ ngoài thư sinh này lại cực kỳ mạnh mẽ trên sân tập với những bài tập rất nặng, thiên về tích lũy thể lực. Ông luôn yêu cầu các cầu thủ phải chạy trên sân và thường các buổi tập chỉ kết thúc khi có dấu hiệu căng cơ nơi các học trò. Sau khi cho các cầu thủ nghỉ, người ta vẫn thấy ông Miura ở lại sân để… chạy hơn 5km nữa mới chịu ra về. Ngày nào cũng vậy, hiếm khi thấy HLV Miura ngừng tập thể lực.
Tuy nhiên, điều thú vị là HLV Miura rất nghiêm túc, kỷ luật khi làm việc, song lại không hề sống đạo mạo, khắc khổ. Ngược lại, ông thầy người Nhật rất khoái uống bia giải khát để trò chuyện, tâm giao về công việc cũng như tìm hiểu đời sống ở Việt Nam.
Những phẩm chất đó khiến Miura được đánh giá là HLV rất phù hợp với bóng đá Việt Nam, nơi đang cần xây dựng lại mọi thứ từ gốc rễ bằng sự lao động cật lực và một cách làm việc khoa học.
Thêm thời gian cho Miura
Thất bại trước Malaysia ở trận lượt về được chính Miura thừa nhận là “trận đấu tồi tệ nhất trong sự nghiệp cầm quân” của mình. Đấy cũng là lần đầu tiên mà người ta thấy HLV Miura thể hiện sự bất lực cho dù dưới thời của ông, tỷ lệ thất bại của đội tuyển Việt Nam chỉ là 30%.
Với các CĐV bóng đá Việt Nam, kiểu thua trận như vậy không phải là lần đầu nên trước sau gì, HLV Miura cũng sẽ gặp phải. Rất may là ông đã “nếm trái đắng” sớm trong bảng hợp đồng 3 năm làm việc với bóng đá Việt Nam. Rõ ràng, Miura cần có thêm thời gian để tiếp tục cải thiện năng lực đội tuyển.
Theo thống kê, trong 6 tháng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông Miura đã tập trung gần 70 cầu thủ khác nhau, bao gồm cả một đội tuyển U.23 đủ tuổi để dự SEA Games 2015 dù ông chỉ mới theo dõi được 1/3 thời gian thi đấu của V-League. Điều này cho thấy, HLV Miura là người có tham vọng và luôn muốn chuẩn bị trước mọi thứ.
Nếu chúng ta biết, HLV Kiatisak của Thái Lan đã phải mất 3 năm để trẻ hóa đội tuyển quốc gia từ nòng cốt U.23, thì con đường mà Miura đang đi ở đội tuyển Việt Nam hãy còn trong thời điểm bắt đầu. Ông cần có thêm thời gian và thêm những trợ lý giỏi để có thể hoàn tất quá trình tái tạo đội tuyển.
Theo nhận định của HLV Lê Thụy Hải, cái thiếu của ông Miura hiện nay đó là những trợ lý tầm cỡ và có kinh nghiệm như Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng, những người sẽ giúp ông Miura tiết kiệm thời gian hơn thay vì chỉ để một mình ông “bơi” trong núi công việc ở một đội tuyển gần như đổ vỡ suốt 2 năm qua.
Khang Việt