Ngày 8-12, Bộ Y tế, lãnh đạo các vụ/cục, ban ngành, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế trong ngành dược phẩm và lĩnh vực điều trị ung thư cùng thảo luận về tầm quan trọng của “Phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia” và khẩn cấp kêu gọi những hành động thiết thực như: phòng bệnh, tăng cường sàng lọc phát hiện sớm, xây dựng các chính sách cần thiết hỗ trợ điều trị, hỗ trợ tài chính thông qua bảo hiểm y tế (dự phòng và điều trị), dịch vụ công, các chương trình hỗ trợ người bệnh để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được phát hiện sớm bệnh ung thư và giảm chi phí điều trị.
"Theo ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, trên toàn thế giới có 14,1 triệu trường hợp mắc mới do ung thư và 8,2 triệu tử vong. Theo ghi nhận ung thư Việt nam, năm 2010 Việt Nam có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới và ước tính năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới do ung thư. Hiện nay, ung thư là vấn đề quốc gia và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội và kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn, các chính sách phải thiết thực hơn để mang đến điều kiện chăm sóc sức khỏe kịp thời và toàn diện cho người bệnh. Mặc dù Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế cũng như các công ty dược phẩm, thiết bị y tế trong kiểm soát ung thư, song chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để thực hiện chiến lược và kế hoạch này một cách toàn diện và lâu dài. Do đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại bệnh ung thư ở Việt Nam”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.
Tại hội nghị, kết quả từ Chương trình quốc gia phòng chống ung thư giai đoạn 2010 - 2015 cũng đã được chia sẻ, thể hiện sự đúng đắn và những tác động hữu hiệu khi Việt Nam hướng tới mục tiêu phòng chống, ngăn ngừa ung thư kịp thời. Nhu cầu cấp bách cần được thực hiện chính là việc kêu gọi hành động từ tất cả các bên liên quan cùng nâng cao nhận thức về bệnh ung thư, hỗ trợ việc tuyên truyền sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư kịp thời tại Việt Nam. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, trong 15 năm tới, khi số lượng bệnh nhân ung thư ở châu Á tăng lên 70%, bệnh ung thư sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, đời sống xã hội và nền kinh tế của các quốc gia châu Á.
Để có một chương trình phòng và kiểm soát ung thư hiệu quả, các khuyến nghị sau đã được hội thảo đưa ra:
° Tại Việt Nam, dù Thủ tướng đã ban hành “Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm” giai đoạn 2015 - 2025, nhưng ung thư không chỉ cần được nhìn nhận dưới góc độ sức khỏe mà còn liên quan đến kinh tế gia đình, xã hội và nền kinh tế quốc gia.
° Thêm các chính sách kiểm soát và hạn chế các yếu tố nguy cơ như: việc sử dụng thuốc lá (chủ động và bị động), vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh lây nhiễm (HIV), viêm gan (HBV, HCV), viêm nhiễm đường sinh dục (HPV).
° Kiểm soát ung thư ở Việt Nam còn gặp phải nhiều thách thức do thiếu hụt nguồn lực, chất lượng thông tin dữ liệu liên quan tới tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
° Có các chương trình phối hợp đa ngành nâng cao kiến thức của các chuyên gia và của cộng đồng về bệnh ung thư.
° Đầu tư nhiều hơn vào việc phát hiện sớm một số loại ung thư phổ biến, giúp cải thiện tỷ lệ sống thêm và giảm gánh nặng kinh tế của bệnh nhân ung thư.
° Có chính sách hỗ trợ tài chính thông qua bảo hiểm y tế (dự phòng và điều trị), dịch vụ công, các chương trình hỗ trợ người bệnh.
“Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu dược phẩm điều trị ung thư, Roche không chỉ hỗ trợ các bệnh viện, bác sĩ trong việc cập nhật kiến thức y học mà còn chung sức hỗ trợ việc chẩn đoán, phát hiện sớm cho bệnh nhân. Đối với cộng đồng, các chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh, tầm soát và sàng lọc miễn phí cũng được Roche tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư và hỗ trợ phát hiện sớm bệnh ung thư cho bệnh nhân Việt Nam. Đó cũng chính là một phần trong kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia tại Việt Nam cũng như theo đúng với tôn chỉ hoạt động Doing now what patient need next - Hành động bây giờ vì nhu cầu của bệnh nhân ngày mai của Roche"- bà Inge Kusuma, Trưởng Văn phòng Đại diện Hoffmann - La Roche tại TPHCM, khẳng định.
LONG THƯỢNG