Đại hội VFF khóa VII (ngày 25-3): Ông Lê Hùng Dũng được bầu làm chủ tịch

* Ông Đoàn Nguyên Đức làm Phó chủ tịch tài chính.* Ban chấp hành gồm 19 ủy viên.

* Ông Đoàn Nguyên Đức làm Phó chủ tịch tài chính.
* Ban chấp hành gồm 19 ủy viên.

Ngày 25-3, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ VII (2014-2018) đã diễn ra. Kết quả bầu các chức danh VFF hầu như không có gì bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh chúc mừng tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Quang Thắng

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh chúc mừng tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Quang Thắng

* Một ê-kíp cũ mà mới

 

Đội tuyển sẽ có HLV ngoại

Trong kế hoạch hành động, ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định trong tháng 4 sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam, nhiều khả năng, đó sẽ là HLV người Nhật Bản. "Từ trước tới nay, VFF thường thuê HLV ngoại dẫn dắt đội tuyển quốc gia và đội U23 quốc gia, khi thắng thì HLV trưởng này được tung hô, khi thua lập tức dư luận đòi sa thải, áp lực với lãnh đạo Liên đoàn cũng cực lớn, đây là điều không hợp lý”, ông Dũng đánh giá.

“Chúng tôi cho rằng Nhật Bản là đối tác thích hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Chúng ta đã có Trưởng ban tổ chức V-League là người Nhật Bản và thời gian tới có thể HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cũng sẽ là người Nhật Bản. VFF đã nhờ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu một HLV danh tiếng sang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho AFF Cup diễn ra cuối năm nay".

Về lý thuyết, hiện HLV Hoàng Văn Phúc vẫn đang là HLV trưởng ĐTQG dù ông vừa nộp đơn từ chức.

 

Không nằm ngoài nhận định trước ngày Đại hội, ông Lê Hùng Dũng đã không khó để đắc cử chức chủ tịch VFF khóa VII (2014-2018) với 60/62 phiếu bầu. Bên cạnh đó, các vị trí còn lại cũng không gây bất ngờ.

Sau khi ông Lê Văn Thành rút lui vào giờ chót, ông Đoàn Nguyên Đức đã không có đối thủ cạnh tranh ở vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính với 60/62 phiếu bầu.

Đó cũng là số phiếu dành cho ông Trần Quốc Tuấn, nguyên Tổng thư ký VFF khóa 5,6 ở chức danh Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Bất ngờ nhất là nhà báo Nguyễn Xuân Gụ vượt qua ông Nguyễn Lân Trung để trở thành Phó chủ tịch phụ trách truyền thông.

Như vậy, đã có những chuyển biến nhất định trong thành phần lãnh đạo chủ chốt của VFF dù đó là những gương mặt không mới như bầu Đức hay ông Trần Quốc Tuấn.

Nói về hoạt động của tổ chức, tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết: “Về công tác nhân sự, BCH có thể thay đổi nhưng bộ máy lãnh đạo, điều hành VFF phải ổn định. Cải tổ công tác truyền thông, từng bước chuyển biến, tạo hình ảnh đẹp về bộ máy điều hành VFF, thu hẹp khoảng cách giữa VFF với báo chí và dư luận người hâm mộ”.

* Sẽ cải tổ mạnh mẽ

Tân chủ tịch VFF bày tỏ quyết tâm sẽ đưa bóng đá Việt Nam vươn đến tầm cao mới, cũng như đến gần hơn nữa với người hâm mộ.

Định hướng trước mắt của VFF là theo khuôn mẫu của bóng đá Nhật Bản.

Ông Lê Hùng Dũng cũng tiết lộ “bí kíp” để cải tổ bóng đá Việt Nam: “Chúng tôi sẵn sàng nói thẳng, nói thật và làm thật để xây dựng một nền bóng đá hay, đẹp, hiệu quả, làm hài lòng người hâm mộ, đặt ấn tượng tốt trong xã hội. Chỉ có thể như thế, khán giả mới tới sân đông đảo, tạo nguồn thu bền vững để phát triển bóng đá, thay vì chỉ biết trông chờ vào "bầu sữa" của các ông bầu như trong những năm qua”.

Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Quang Thắng

Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Quang Thắng

Một trong những vấn đề mà ông Lê Hùng Dũng hy vọng sẽ làm được ngay ở khóa VII chính là Đề án cá cược hợp pháp: "Tôi đã sang Singapore, Anh và một số nước khác để tham khảo việc cá cược hợp pháp. Việc này đã được khởi động ở Việt Nam từ năm 2000, nhưng sau 14 năm vẫn chưa thể thực thi. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước sẽ sớm hoàn thiện để Đề án được đưa vào thực thi. Khi đó, chúng ta sẽ có một khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho đào tạo trẻ và các đội tuyển quốc gia".
 
VFF cũng sẽ nghiên cứu và tiến hành lắp đặt camera ở các sân vận động trong cả nước để lấy đó làm cơ sở phạt nguội các cầu thủ có hành vi phạm lỗi thô bạo, bạo lực trên sân cỏ, hạn chế tình trạng phạm luật đối với các cầu thủ.
 
VFF cũng đã công bố các mục tiêu: Đội tuyển nữ Việt Nam giành suất tham dự World Cup 2015 thông qua việc giành hạng 5 tại VCK Asian Cup 2014. Đội U19 Việt Nam đạt thứ hạng cao tại VCK giải vô địch châu Á năm 2014 ở Myanmar trong tháng 10. Với đội tuyển quốc gia, mục tiêu sẽ là vô địch AFF Suzuki Cup 2014 còn đội U23 sẽ vào chung kết SEA Games 28, 29…

Q.Cường – Kh.Vân

3 lời hứa của tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng

* Làm “sạch” đội ngũ trọng tài, giám sát

Việc tôi muốn làm đầu tiên là họp Ban chấp hành và chấn chỉnh ngay công tác trọng tài. Tôi không tiết lộ cụ thể nhưng ban trọng tài sẽ cải tổ rất mạnh trong 1, 2 tuần tới để góp phần trả lại sự trong sáng, cao thượng của nền bóng đá. Nếu có hiện tượng gì có thể làm ảnh hưởng kết quả trận đấu, làm người hâm mộ phản ứng, chúng tôi sẽ xử lý ngay. Tôi không có quy kết anh là tiêu cực nhưng nếu thấy những công việc điều hành như vậy có thể làm ảnh hưởng chất lượng giải, tôi sẽ không phân công anh nữa và mời người khác. Nếu như trọng tài thiếu, tôi sẽ đôn các trọng tài trẻ lên. Còn nếu thiếu nữa, chúng tôi sẽ bàn bạc cụ thể với các anh trong Liên đoàn, sẽ liên kết với Liên đoàn bóng đá Malaysia, Singapore...

* Hoàn thiện giấc mơ World Cup

Tháng 4 này, sẽ có một hợp đồng rất lớn của một tổ chức tài chính tài trợ cho đội tuyển nữ. Điều gì làm được cho đội tuyển nữ để giành vé World Cup 2015, chúng tôi sẽ làm hết sức mình. Dĩ nhiên, phải nói là chúng ta có "địa, lợi," nhưng chúng ta muốn, Thái và Myanmar cũng muốn. Chúng ta thành công hoặc không thành công, chúng ta cũng phải tự an ủi rằng những điều gì tốt nhất cho đội tuyển, chúng ta đã làm hết mình.

Riêng về đội U19, mục tiêu vẫn là đứng trong tốp đầu VCK Asian Cup để đoạt vé dự giải U20 thế giới. Hiện nay đội U19 đã có những bài học  trong chuyến tập huấn tại châu Âu. Tôi nghĩ là biết những điểm yếu vào tháng Ba này thì tốt hơn vào tháng Mười. Từ nay tới đó, chúng ta sẽ khắc phục điểm yếu. Tôi nghĩ rằng U19 của chúng ta cũng chơi bằng vai lắm chứ không có gì bi quan gì khi đụng các đối thủ lớn ở VCK  U19 châu Á tại Myanmar.

* Bằng mọi giá phải đào tạo trẻ

Thứ nhất, chúng ta sẽ đào tạo theo chương trình mục tiêu do Tổng cục TDTT phối hợp với Liên đoàn đề ra mục tiêu năm nay. Thứ hai, chúng tôi sẽ hợp tác với một CLB lớn của nước ngoài để thuê một HLV chuyên đào tạo trẻ. Sau đó, chúng ta đưa các HLV trẻ của những đội chuyên nghiệp và hạng nhất về đào tạo.

Chúng ta sẽ không đào tạo cầu thủ bình thường. Chúng ta sẽ thuê chuyên gia từ Ajax, Liverpool theo một chương trình đào tạo 2, 3 hay 4 năm. Mô hình thế nào, cơ sở làm sao, chế độ dinh dưỡng thế nào... chúng ta truyền đạt quy trình đó cho các HLV trẻ. Sau đấy, họ mới chính là người về các CLB và nhân rộng mô hình đó. Trên cơ sở đấy, lực lượng trẻ của chúng ta mới nâng cao chất lượng và là nền tảng cơ bản cho bóng đá Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

Trong thời gian đó, khoảng 3, 4 CLB có cơ chế tài chính tốt, họ sẽ lặp lại các mô hình như của anh Đức. Với khoảng 4 mô hình như vậy, trong 7 - 10 năm nữa, lực lượng có trình độ cao như vậy chiếm được 70 tới 80% tại V-League và hạng Nhất. Đó chính là tương lai của bóng đá chúng ta.

Danh sách các thành viên chủ chốt VFF khóa 7

- Chủ tịch: Ông Lê Hùng Dũng

- Phó chủ tịch tài chính: Ông Đoàn Nguyên Đức

- Phó chủ tịch chuyên môn: Ông Trần Quốc Tuấn

- Phó chủ tịch truyền thông:  Ông Nguyễn Xuân Gụ

Danh sách 19/23 Ủy viên BCH khóa VII
(Tổng số là 23 trong đó Chủ tịch và 03 Phó chủ tịch đương nhiên là ủy viên BCH theo quy định)

- Ông Phạm Ngọc Viễn – PCT khóa VI, TGĐ Công ty VPF (46/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 85,19%)
- Ông Nguyễn Hồng Thanh – Ủy viên BCH khóa VI, TGĐ Công ty CP SLNA, Chủ tịch CLB SLNA (45/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 83,33%)
- Ông Cao Văn Chóng – TGĐ Công ty CP thể thao BĐ Bình Dương (44/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 81,48%)
- Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HFF, Chủ tịch CLB Futsal Thái Sơn Nam (44/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 81,48%)
- Ông Lê Ngọc Chức – Ủy viên BCH khóa VI, GĐ CLB CS Đồng Tháp (42/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 77,78%)
- Ông Dương Vũ Lâm – Ủy viên BCH khóa VI, PCT AFF (42/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 77,78%)
- Ông Bùi Xuân Hòa – Ủy viên BCH khóa VI, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng kiêm TGĐ Công ty CP TT SHB Đà Nẵng (41/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 75,93%)
- Ông Lê Quý Phượng – Ủy viên BCH khóa VI, Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TPHCM (41/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 75,93%)
- Ông Lê Văn Thành – Ủy viên BCH khóa VI, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Động Lực (41/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 75,93%)
- Ông Lê Nguyên Hồng- Ủy viên BCH khóa VI, Chủ tịch CLB QNK Quảng Nam (40/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 74,07%)
- Ông Phan Anh Tú – Ủy viên BCH khóa VI, TTK LĐBĐ Hà Nội, PGĐ TTHL&TĐ TT Hà Nội (40/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 74,07%)
- Ông Nguyễn Thanh Hải – GĐ TT BĐ Viettel (37/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 68,52%)
- Ông Nguyễn Hiền Lương – Ủy viên BCH khóa VI, Đại tá, GĐ TT TDTT CAND (35/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 64,81%)
- Ông Nguyễn Văn Mùi – Chuyên viên phòng nghiệp vụ TDTT Đà Nẵng (35/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 64,81%)
- Ông Nguyễn Lân Trung – PCT khóa VI (34/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 62,96%)
- Ông Dương Văn Hiền – Trưởng Bộ môn GDTC, ĐH XH&NV TP HCM (31/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 57,41%)
- Ông Phạm Phú Hòa – Ủy viên BCH khóa VI, Phó TGĐ Công ty VPF (30/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 55,56%)
- Ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB HN T&T kiêm TGĐ Công ty CP thể thao T&T (30/54 phiếu hợp lệ, tỷ lệ 55,56%)
- Ông Nhan Thiện Nhân – HLV trưởng CLB bóng đá HV An Giang (đạt số phiếu cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai)

Kết quả bầu Ban kiểm tra và Trưởng Ban kiểm tra khoá VII

- Trưởng Ban: Ông Nguyễn Nam Hùng (Ủy viên thường trực BCH khoá VI, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam VFF)
- 02 ủy viên: Ông Trần Đình Huấn (GĐ sân Thống Nhất, GĐ CLB trẻ TPHCM, TTK HFF) và ông Thái Hồng Hà (PGĐ Sở VH-TT&DL Đắk Lắk)

VFF kiếm 383 tỷ đồng/năm

Đây là con số sự trù được cho là rất lạc quan của VFF khóa 7 dưới quyền điều hành của một doanh nhân. Theo ông Lê Hùng Dũng thì để có con số trên, VFF tính toán rất kỹ. Ông cho biết: “Trong 2 kỳ tôi làm Phó chủ tịch tài chính, ngân quỹ liên đoàn liên tục tăng. Hồi mới làm, chỉ có bốn mươi mấy tỷ đồng thôi nhưng giờ nó lên tới hơn 300 tỷ một năm, tăng khoảng gần 8 lần. Còn nguồn đó ở đâu và khai thác thế nào, chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết để đạt được. Đó không phải là con số ảo tưởng, nó xây dựng trên nền tảng thực tế những năm vừa qua. Tăng tưởng trung bình nguồn thu là 10 tới 15% mỗi năm”.

Tuy vậy, ông Dũng cũng thừa nhận những khó khăn khách quan sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu: “Tính toán đó còn phụ thuộc vào tình hình đối tác chúng ta có "khỏe" hay không. Họ có tiếp tục chơi với chúng ta hay không. Cái đó lại là phụ thuộc vào kết quả thi đấu của đội tuyển và chất lượng V-League. Nếu giải V-League ngày càng hay, đội tuyển đá nhiều trận xuất thần, lúc đó tôi sẽ tự tin gõ cửa các nhà tài trợ. Khi đó, họ thấy mình là họ mở cửa mời vào ngay. Không phải như bây giờ, thấy mình là họ đóng cửa vào, không tiếp”.

Tin cùng chuyên mục