Vì vậy, để tạo nên những Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khánh Phong xuất sắc, có thể tiếp bước nhiều thế hệ VĐV thể dục dụng cụ TPHCM vô địch SEA Games, tiệm cận đấu trường Olympic, theo HLV Trương Minh Sang, giới làm nghề thể dục dụng cụ đã phải rất “lao tâm, khổ tứ” mới thành.
Để có được những Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lai xuất chúng, đem về biết bao vinh quang và làm đẹp cho điền kinh Việt Nam, các HLV đã dày công kèm cặp, bồi dưỡng họ ngày qua ngày.
Để có được nữ chủ công toàn diện như Trần Thị Thanh Thúy, đủ sức vươn đến sân chơi đòi hỏi trình độ cao như tại giải vô địch bóng chuyền nữ Nhật Bản, đồng thời dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lên ngôi ở đấu trường châu Á, những người làm chuyên môn ở CLB Bình Điền Long An đã tốn nhiều tâm sức trong cả thập niên để huấn luyện, giúp cô trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, đạo đức…
Đôi khi, những công việc “không tên” ấy, tức là tỏa đi khắp các địa bàn ở thành phố, đến các vùng ven hay xa hơn nữa là xuôi về miền Tây để tìm kiếm các tài năng, trở thành niềm cảm hứng của nhiều HLV, nhiều nhà tuyển trạch ở các môn bóng chuyền, điền kinh, xe đạp, bắn súng, võ thuật…
Họ sẵn sàng mở lối và khích lệ, thậm chí thuyết phục các gia đình cho con em theo nghiệp thể thao, nếu thành công sẽ sớm có được một VĐV tài năng, về sau có khoác áo thi đấu cho đội tuyển thành phố cũng được, mà trở về địa phương cống hiến cũng tốt, miễn là họ tận lực vì thể thao nước nhà.
Cuộc “đãi cát tìm vàng” của thể thao TPHCM, Long An hay hầu hết các địa phương, ngành khác cũng đều gian truân như nhau; thậm chí đôi khi xảy ra tranh chấp về công sức đào tạo VĐV, về chuyển nhượng… vì đa số các môn thể thao trên thực tế vẫn chưa có được quy chuẩn rõ rệt về hoạt động.
Mặc dù cũng xây dựng các tuyến VĐV từ năng khiếu đến đội tuyển cấp tỉnh, nhưng về cơ bản, do nguồn kinh phí thiếu hụt, do cơ chế tạo điều kiện để VĐV phát triển và gắn bó với nghề nghiệp chưa ổn, nên biểu đồ phát triển của ngành TDTT khá trồi sụt.
Nguồn lực tài năng thể thao trong xã hội rất lớn, đặc biệt trong trường học, tuy nhiên, khi mối liên tịch giữa ngành TDTT và ngành GD-ĐT còn mang tính hình thức, thì thể thao Việt Nam đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội để phát triển, để tạo ra một hệ thống huấn luyện bài bản cho VĐV, duy trì vững chắc tính kế thừa qua từng thế hệ.
Chính vì vậy, mô hình liên kết hợp tác giữa Trung tâm TDTT quận 7 (TPHCM) với Trung tâm Đào tạo thể thao D7 Sports Park hình thành từ giữa năm 2022 có thể xem như một kênh tham khảo hữu ích, vì chương trình này đang thí điểm xã hội hóa trong đào tạo thể thao học đường, góp phần đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học, phát hiện và đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao về bóng đá, bóng rổ không chỉ cho quận, mà cho cả TPHCM lẫn quốc gia.