Bầu Trường vừa đòi giải thể V.Ninh Bình do cầu thủ bán độ. Theo thông tin có được, mỗi người “làm kèo” trong trận gặp Kelantan (Malaysia) ở AFC Cup sẽ nhận 85 triệu đồng (danh sách hơn chục cầu thủ tham gia). Đấy là chưa nói một vài người đầu vụ còn bỏ tiền tỷ ra để đánh trận này, khiến dư luận ngao ngán cho nền bóng đá ngày càng lụn bại, đạo đức cầu thủ bị suy đồi.
|
Cái suy nghĩ thắng cũng có “quà” của nhiều cầu thủ đất cố đô Hoa Lư không khác gì kịch bản của U23 Việt Nam ở SEA Games 23 (2005) tại Bacolod (Philippines) cũng với tư tưởng tan trận thì vui cả làng. Để rồi khi đổ bể ra, tất cả phải đối diện với án tù, còn bóng đá trong nước như bị những nhát cắt sâu mà vết thẹo đó gần như không thể mờ được, dù sự việc xảy ra đã gần 10 năm.
Cũng chuyện cầu thủ làm độ, nhớ ở V-League mỗi khi đến cuộc chiến trụ hạng cuối mùa thì có nhiều trận đấu bất thường xảy ra. Thậm chí, mức độ còn dày và mang tính liên tục. Đơn cử như ở V-League 2011 trong thế chết đuối tới nơi, V.Hải Phòng đi lập ra “ban chống xuống hạng” với số tiền kèm theo là 10 tỷ đồng nhằm giải cứu con tàu đất cảng đang lao về hạng Nhất. Lạ là tưởng như V.Hải Phòng sẽ chết chìm thì ngay lập tức trụ hạng ngon lành bằng các trận thắng “bất ngờ”.
|
Hay tại giải hạng Nhất 2012 từng ầm ĩ việc F.Tây Ninh “mời” ĐTLA tham gia làm độ nhằm cứu đội khỏi tụt hạng. Gạch đã phản ứng với lời mời khiếm nhã đó bằng cách báo cáo vụ việc lên công an, nhờ làm rõ trắng đen.
Việc ĐTLA tố cáo tiêu cực lên báo chí, lên cơ quan điều tra khiến nhiều CLB lúc đó tỏ ra ái ngại khi nhìn đội này, bởi tư tưởng bóng đá sạch mà bầu Thắng theo đuổi. Cũng giống hồi giải VĐQG năm 1985, trong trận CLB Quân Đội thua 1-4 trước CA Hà Nội trên sân Thống Nhất mà hai đội này bắt tay nhau để loại Cảng Sài Gòn khỏi trận chung kết, bị dư luận phản ứng kịch liệt. Không chấp nhận hành vi phi thể thao, Bộ Tổng tham mưu ngày đó rút CLB Quân Đội về không tham gia giải nữa và tiến hành kỷ luật toàn bộ đội bóng.
Gần hơn là ở Tiger Cup 96. HLV Weigang từng chỉ thẳng mặt một nhóm cầu thủ bán độ trong trận gặp Lào ở vòng bảng. Vụ việc mà sau này nhiều người ngồi với nhau kể lại, thật ra chuyện bán độ không phải không biết, nhưng không muốn lên tiếng tố cáo do sợ bị trả thù. Cuối cùng mỗi ông Weigang làm dữ, nhưng rồi vụ đó cũng bị xếp lại do đội tuyển Việt Nam giành HCĐ Tiger Cup 96 một cách ngoạn mục.
|
Bóng đá Việt Nam đến giai đoạn cuối thường nhiều CLB sợ cầu thủ bị mua. Cũng giống không ít đội đi đá các giải quốc tế thường lo ngại quân mình bị móc độ. Thông qua những món tiền “đen” được mồi chài để trao đổi bằng sự thi đấu thiếu nhiệt tình hoặc đá theo kèo đã tung ra, còn màu cờ sắc áo là thứ… vứt đi.
Các chuyên gia bóng đá đều thuộc lòng kiểu “làm ăn” này. Nguy hiểm hơn giờ ở giải V-League, hạng Nhất và cả AFC Cup đều sáng đèn của nhà cái. Còn chuyện cầu thủ xứ ta thua mặt trận này tìm cách gỡ ở mặt trận khác được nhiều người trong đội biết, nhưng hầu hết là xử lý nội bộ chứ không xử nghiêm.
Nếu lãnh đội nào cũng như bầu Trường, bầu Thắng, cầu thủ như Tài Em, Võ Nhật Tân… thì làm sao bóng đá Việt Nam không khá lên được?
ĐỨC DŨNG
Mùa giải đã kết thúc?
Bầu Trường muốn làm trong sạch đội bóng, đồng nghĩa nhiều khả năng V.Ninh Bình cũng sẽ giải
thể đội 1. Nếu họ nghỉ chơi thật thì những vòng đấu còn lại của V-League không còn nhiều ý nghĩa, và mùa giải xem như đã kết thúc ở đây.
Mùa trước, khi giải đấu bước vào giai đoạn cuối bầu Thụy - ông chủ của XMXT.SG khi đó cũng tuyên bố nghỉ chơi sau án kỷ luật trừ điểm của VFF. Tất nhiên trường hợp của V.Ninh Bình và XMXT.SG là khác nhau và bầu Trường có lý khi từ bỏ cuộc chơi bởi “13 cầu thủ bán độ thì chúng tôi còn đâu người mà đá”. Có thể rất nhiều người thông cảm với quyết định của ông, nhưng rõ ràng quyết định nghỉ chơi của V.Ninh Bình sẽ có tác động tiêu cực đến giải đấu.
Người ta đang nói rất nhiều đến sức hấp dẫn của cuộc đua vô địch bởi sự thăng hoa của B.Bình Dương, sự ổn định của HNT&T hay tính bất ngờ được tạo ra từ Thanh Hóa. Nhưng tất cả đó chẳng có nhiều ý nghĩa khi V.Ninh Bình rời cuộc chơi do lịch thi đấu sẽ đảo lộn, kết quả các trận đấu sẽ phải tính toán lại và tất nhiên cuộc đua trụ hạng xem như không còn nữa bởi chiếu theo luật thì đội đứng cuối bảng HV An Giang xem như đã trụ hạng.
Khi một giải đấu có đến phân nửa đội bóng thi đấu chỉ mong trụ hạng thì chặng đường còn lại có gì hấp dẫn? Không xuống hạng và cũng không muốn vô địch, mục tiêu đã đạt được thì còn gì là động lực để phấn đấu?
Tính cạnh tranh là yếu tố đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn của giải đấu. Giờ đây, khi chưa đá mục tiêu đã hoàn thành thì những đội chiếu dưới sẽ ra sân với tâm lý “vô thưởng vô phạt, vui đá buồn nghỉ”, điều này còn dễ phát sinh tiêu cực. Một lần nữa, V-League lại có nguy cơ đứt gánh giữa đàng và cuộc đua vô địch có lẽ chỉ còn hấp dẫn trên các trang báo mà thôi.
NGỌC SƠN