Ngày lịch sử
Hãng tin CNN bình luận: “Đó là khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Iran, cũng như với phụ nữ Iran, những người phản đối sự phân biệt đối xử bất chấp nguy cơ bị bắt và giam giữ ở nhà tù Evin, nhà tù nổi tiếng chuyên dành cho các tù nhân chính trị ở thủ đô Tehran”.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Fars, có 150 nữ cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn cách khu vực ngồi giữa các nam và nữ cổ động viên (CĐV) bóng đá với khoảng cách đến 200m. Một số bức ảnh ở các trang mạng xã hội cho thấy có một hàng rào bao quanh khu vực dành cho nữ CĐV. 3.500 vé được phát hành cho những nữ CĐV xinh đẹp, mặc dù con số 5% chỗ ngồi trên sân bóng ở Tehran chẳng thấm vào đâu - không biết có còn phân biệt đối xử hay không, thì đây đã là một sự tiến bộ lớn của phong trào nữ quyền trong bóng đá Iran.
Tất cả nữ CĐV có mặt trên sân Tehran đã kính cẩn mặc niệm “Blue Girl” Sahar Khodayari - cô gái 19 tuổi tự sát hồi tháng trước, tạo nên đỉnh điểm của cuộc đấu tranh khiến FIFA không thể không dứt khoát với Chính phủ Iran.
Là người yêu thích CLB nổi tiếng nhất Iran, Esteghlal, cô gái trẻ mê bóng đá Khodayari năm ngoái đã giả trang thành một thiếu niên để cố gắng vào sân vận động và đã bị bắt. Cảm thấy bị xúc phạm và bất công, đầu tháng 9 vừa qua, Khodayari đã tự thiêu bên ngoài tòa án và thiệt mạng vì bị phỏng quá nặng. Cái chết của cô gái đã gây nên làn sóng giận dữ trong xã hội và trên mạng.
Nhiều người sử dụng mạng lên tiếng kêu gọi FIFA cấm Iran tham gia các giải thi đấu bóng đá quốc tế, đồng thời kêu gọi tẩy chay các trận cầu của đội Iran. Chủ tịch FIFA Infantino tuyên bố FIFA sẽ hành động - bao gồm việc cấm Iran tổ chức các trận đấu vòng loại World Cup 2022, nếu bóng đá Iran có bất kỳ hành động ngăn cản phụ nữ đến sân.
Raha Poorbakhsh, một trong số 3.500 khán giả nữ được xem trận cầu lịch sử ngày 10-10 là một phóng viên bóng đá, hạnh phúc thốt lên: “Tôi vẫn không thể tin rằng chuyện fan nữ được vào sân đã trở thành sự thật. Sau chừng ấy năm làm phóng viên thể thao, tôi chỉ có thể viết bài dựa vào việc xem truyền hình, cuối cùng tôi cũng có thể trải nghiệm cảm giác thực sự trên sân vận động”.
Ngay sau trận đấu, những người dùng mạng xã hội Twitter ở Iran đã bắt đầu kêu gọi sử dụng hashtag #WakeupFIFA trong các bài viết của mình, nhằm thúc giục Liên đoàn Bóng đá Iran cho phép thêm nhiều nữ CĐV vào sân, không chỉ là trong trận đấu với Campuchia vừa qua. Có lẽ họ biết, để thật sự thoải mái đến sân xem bóng đá, chưa thể dừng đấu tranh.
Cuộc tranh đấu chưa hồi kết
Ở đất nước mà đứng đầu là các lãnh tụ tôn giáo như Iran, mặc dù không hề có điều luật cụ thể cấm phụ nữ đến sân, nhưng ngay sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, những khán giả nữ đã không được phép vào sân vận động, nhà thi đấu để xem bóng đá hoặc các cuộc tranh tài của nam giới.
40 năm qua, vẫn có những ngoại lệ, nhưng ngay cả khi các CĐV có mặt trong sân, họ cũng bị buộc phải dùng khăn che mặt. Các giáo sĩ tin rằng phụ nữ phải được bảo vệ, tránh bị ô nhiễm bởi bầu không khí nam tính, hoặc chứng kiến những người đàn ông xa lạ thi đấu với quần áo không nghiêm túc.
Năm 2001, chỉ có 20 phụ nữ Hồi giáo được tới các trận đấu vòng loại World Cup 2002. Bốn năm sau, chỉ hơn chục người xem các trận bóng giữa Iran và Bahrain. Các CĐV vẫn tìm cách vào sân bóng, chủ yếu là ở những trận đấu của các CLB do diễn ra tại địa phương nhỏ, ít người quan tâm. Nhưng khi bị phát hiện, họ phải hứng chịu những sự xúc phạm từ cánh đàn ông cũng như phần lớn xã hội Iran. Do không có điều luật cụ thể, nên FIFA cũng không đủ cơ sở đưa ra lệnh trừng phạt, đặc biệt là với một nền bóng đá số 1 châu Á như Iran.
Phải đến năm ngoái, khi World Cup 2018 diễn ra, FIFA “bật đèn xanh” cho phép các CĐV xem World Cup ở Nga có thể đem băng rôn vào sân đòi quyền cho phụ nữ Iran. Tại thủ đô Tehran, phụ nữ lần đầu chính thức được phép vào sân vận động xem trận Bồ Đào Nha- Iran. Đó chỉ mới là lần thứ 2 trong vòng gần 40 năm qua phụ nữ Iran được phép vào xem bóng đá tại sân vận động Azadi ở thủ đô Tehran có sức chứa 120.000 người.
Nhưng cũng trong ngày hôm đó, theo một phóng viên CNN có mặt kể lại, có 30 phụ nữ Iran bị bắt bên ngoài sân mặc dù Chủ tịch FIFA Gianni Infantino có mặt ở Tehran. Và đây chính là lý do để FIFA kiên quyết hành động, thúc ép nhiều tháng qua.
Chờ ngày hái quả ngọt! Mới tháng 5 năm nay, các cô gái đội tuyển U19 Iran đã khóc tức tưởi sau khi mất vé dự VCK giải U19 châu Á vào tay các cô gái Việt Nam chỉ vì thua về hiệu số thẻ phạt. Trước đó 2 tháng, cũng chính Việt Nam khiến Iran phải… khóc sau khi giành vé duy nhất bảng đấu vòng loại để dự VCK U16 châu Á. Mặc dù vậy, có thể nói là bóng đá nữ Iran vẫn đang được vun đắp chờ ngày hái quả. Trong lịch sử bóng đá nữ châu Á, đội tuyển nữ Iran chưa từng dự Asian Cup. Các đội tuyển quốc gia chỉ mới tham gia vào các giải quốc tế từ năm 2011 đến nay và đội U16 Iran đã 2 lần dự giải châu Á, còn đội U19 thì 1 lần. Thành tích đó chưa quá nổi bật, nhưng xét riêng ở khu vực Tây Á, ngoài Jordan, chính Iran là nơi có bóng đá nữ được duy trì tốt nhất. YẾN PHƯƠNG |