"Cuộc chiến" giữa VFF và VPF: Ai lật lọng, ai chơi khăm?

Thời hạn cho VPF bức tử cái tên Super League chỉ còn tính bằng giờ. Nhưng tên gọi giải đấu chỉ là cái cớ, còn thực tế việc bức tử cái tên Super League là bề nổi của một cuộc chiến chưa có lời kết.
"Cuộc chiến" giữa VFF và VPF: Ai lật lọng, ai chơi khăm?

Thời hạn cho VPF bức tử cái tên Super League chỉ còn tính bằng giờ. Nhưng tên gọi giải đấu chỉ là cái cớ, còn thực tế việc bức tử cái tên Super League là bề nổi của một cuộc chiến chưa có lời kết.

Lật lọng?

Hôm qua, VPF không “phản đòn” VFF bằng… công văn, giống như cái cách VFF ra công văn trả lời VPF ngay tức thì khi công ty này có đề nghị đổi tên thành V-Super League, thay vì V-League như yêu cầu của VFF.

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cho biết, nếu cơ quan quản lý buộc VPF phải đổi tên giải thì VPF sẽ chấp hành, nhưng làm ngay từ vòng 5 thì khó thực hiện. Bởi lẽ, VPF còn phải tập hợp ý kiến của 28 CLB, trước khi báo cáo VFF và Tổng cục TDTT, chưa kể hàng loạt thay đổi liên quan đến việc tổ chức giải như in ấn vé, pa-nô, băng-rôn quảng cáo hay áo đấu của các CLB hoặc xin điều chỉnh trong Điều lệ hoạt động đã được Sở KH-ĐT Hà Nội cấp phép.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên nêu ra 2 văn bản mà dựa vào đó, VPF khẳng định việc họ đặt tên giải là Giải Ngoại hạng Việt Nam (Super League hay V-Super League 2012) là hợp luật. Thứ nhất, cái tên này nằm trong công văn ngày 2-10-2011 do chính VFF  ký gửi Tổng cục TDTT xin phép thành lập VPF. Thứ hai, Điều lệ VPF được VFF thông qua, trong đó đại diện VFF và 24 thành viên sáng lập VPF cũng đã đều “bút sa gà chết”.

Những người điều hành VPF chấp nhận đổi tên giải, nhưng phải theo cách của họ… Ảnh: Q.TH
Những người điều hành VPF chấp nhận đổi tên giải, nhưng phải theo cách của họ…   Ảnh: Q.TH

Ông Kiên nói: “Đây không phải chuyện tranh chấp cái tên giải đấu. Giữ tên là Super League hay V-League, điều đó cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, thương mại. Nhưng vấn đề tên giải đã được đặt ra theo trình tự, thủ tục đúng pháp luật, vì vậy hãy tôn trọng những gì đã làm. Đây chỉ là vấn đề nhỏ, còn VPF quan tâm đến việc đảm bảo cho chất lượng giải đấu tốt mới là điều quan trọng nhất”.

Phía VPF cho rằng, không làm thì mang tiếng là VPF “bật” cấp trên, còn thực hiện việc đổi tên giải đấu thì tự làm trái các quy định, trong đó có cả VFF và 24 CLB tham gia cổ phần vào VPF. Dẫu vậy, Phó Tổng cục trưởng TDTT Phạm Văn Tuấn cho hay, trong thời điểm Điều lệ và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 chưa được thông qua nên Điều lệ và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011 còn nguyên hiệu lực thi hành. Thế nên, việc sử dụng cái tên là V-League là phù hợp với quy định.

VPF bù thiệt hại cho CLB

Theo tiết lộ của ông Kiên, ngoài việc xin ý kiến các CLB, VPF cũng sẽ đề nghị có cuộc làm việc với Tổng cục TDTT để làm rõ các vấn đề vào tuần tới. Trong đó, VPF chắc chắn vẫn… kêu với Tổng cục TDTT, VFF về những điểm lợi hay không lợi khi đổi tên giải đấu. Tất nhiên, ông Kiên cũng thừa nhận, một khi cơ quan quản lý lệnh cho VPF phải đổi tên giải đấu thì VPF sẽ tuân thủ.

Việc đổi tên giải đấu cũng được VPF lường trước những thiệt hại kinh tế đi kèm. Như Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên liệt kê, hàng loạt những chi phí như logo quảng cáo, in ấn vé, áo đấu của CLB… sẽ làm thiệt hại một khoản không nhỏ. Dẫu vậy, ông Kiên mạnh miệng khẳng định, trường hợp buộc phải đổi tên thì VPF sẽ gánh thiệt hại cho các CLB. Ông Kiên nói: “Thiệt hại sẽ do VPF, CLB không phải gánh chịu do thay đổi về cái tên giải”.

Phía VPF tuyên bố “chơi đẹp”, nhưng theo tính toán sơ bộ, nếu toàn bộ 28 đội bóng phải thay quần áo thi đấu, in ấn lại các bảng biển, băng rôn quảng cáo… cho phù hợp với tên giải đấu mới thì con số thiệt có thể lên tới vài chục tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí hoạt động của VPF hiện mới dựa vào 30 tỷ đồng tài trợ của Eximbank hay tài trợ của Hoa Sen. Nếu thế, thiệt hại và nguy cơ lỗ nặng là thứ đang treo lên đầu VPF, một khi cái tên giải buộc phải đổi thay.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục