Công ty hay chỉ là “cánh tay nối dài”

Nhìn vào danh sách Hội đồng quản trị của Công ty VPF mới được bầu, nếu so với thời điểm mới thành lập, cảm giác đầu tiên chỉ là một dạng VFF “thu nhỏ”. Ngoài cái tên bầu Thắng cùng ông Nguyễn Công Khế, những người còn lại đều gần như thuộc diện “có mặt cho đủ”.

1. Nhìn vào danh sách Hội đồng quản trị của Công ty VPF mới được bầu, nếu so với thời điểm mới thành lập, cảm giác đầu tiên chỉ là một dạng VFF “thu nhỏ”. Ngoài cái tên bầu Thắng cùng ông Nguyễn Công Khế, những người còn lại đều gần như thuộc diện “có mặt cho đủ”.

Tất nhiên, một công ty bóng đá thì đa số thành viên Hội đồng quản trị cũng nên là “người của bóng đá”. Vấn đề là ở thời điểm thành lập, mục tiêu của VPF rất lớn bởi công ty này đang quản lý hệ thống thi đấu cao nhất của bóng đá chuyên nghiệp, tác động đến một thị trường tiềm năng hàng triệu người, sở hữu một trong những lĩnh vực kinh doanh màu mỡ bất nhất của thế giới tiếp thị: bản quyền truyền hình. Như vậy, với chừng đó tiềm năng, rất cần những bộ óc vượt quá tầm của bóng đá đơn thuần để còn khai thác.

Quang cảnh buổi họp HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF.

Ngoài ra, như ở thời điểm thành lập, VPF mang một sứ mệnh khác đó là lôi kéo thêm những nguồn lực xã hội tham gia, đây chính là điều mà VFF không làm được. VPF là một công ty cổ phần, ngoài các cổ đông là những đội bóng, họ hoàn toàn có thể nhận thêm vốn góp cũng như tài lực từ các công ty kinh doanh khác. Đằng này, sau 4 năm, bản chất của công ty không thay đổi, nếu không nói là đi thụt lùi.

2. Nên có cảm giác, VPF đang dần trở thành cánh tay nối dài của VFF, nhất là sau khi 2 “ông bầu” Lê Hùng Dũng và Đoàn Nguyên Đức “nhảy” sang VFF. Hai tổ chức lớn nhất của bóng đá Việt Nam đang được điều hành bởi các doanh nhân, chỉ có điều cũng chỉ là kiểu “chúng ta chơi với chúng ta” chứ chưa thấy có sự phát triển đặc biệt nào về bản chất.

Ông Võ Quốc Thắng tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty VPF.

Suốt thời gian qua, có ai thấy VPF đã làm được chuyện gì khác ngoài công tác điều hành những giải đấu. Họ cũng đã một lần đổi logo, nhưng cái logo mới ấy chẳng thấy xuất hiện ở đâu khác ngoài các sự kiện bóng đá. Trong khi đó, lẽ ra với chức năng kinh doanh của mình, một sự khác biệt so với VFF, thì VPF phải tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh, thương mại, tiếp thị để qua đó, lấy tiền “nuôi” bóng đá. Đằng này, sau khi không còn bầu Kiên, những gì làm được của VPF có lẽ chỉ là sự xuất hiện của Toyota, một đối tác mới nhưng cũng do người khác tìm giúp cho VPF.

Tất nhiên, VPF ra đời trong một bối cảnh rất khó khăn, không thể đòi hỏi quá nhiều ở họ. Nhưng cái đáng nói nằm ở chỗ, VPF dường như cũng chỉ hoàn thành công việc bóng đá của mình, như kiểu thay thế một phần việc của VFF chứ không tạo ra một sự khác biệt đáng kể nào với những gì mà họ đang có trong tay.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục