Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 15 (SOMS-15) chính thức tổ chức tại Vĩnh Phúc. Trong đó, phiên họp mở mở ASEAN cùng WADA (Tổ chức chống doping thế giới) và SEARADO (Tổ chức phòng, chống doping khu vực Đông Nam Á) thu hút được sự quan tâm đáng kể.
WADA cùng SEARADO và các quốc gia của ASEAN đã có Biên bản ghi nhớ ASEAN-WAD trước đây đối với công tác phòng, chống doping trong thể thao. Ở phiên họp mở nằm trong chương trình SOMS-15 lần này, các bên đã báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện Biên bản ghi nhớ trên nhằm phù hợp với các ưu tiên của Kế hoạch công tác ASEAN về thể thao trong giai đoạn 2021-2025. Đại diện của WADA và SEARADO đã đưa các ý kiến của mình, trong đó thêm một lần khẳng định các quốc gia thành viên ASEAN cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa ở vấn đề phòng, chống doping. Trong đó, WADA và SEARADO có những nguyên tắc cụ thể, thông báo tới từng quốc gia thành viên ASEAN và được nắm rõ.
Đại diện chủ nhà Việt Nam cũng có bài phát biểu để chia sẻ về công tác phòng, chống doping của mình. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phòng, chống doping là cấp thiết và được nhà quản lý thể thao quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan theo đúng quy định.
Hiện tại, WADA tích cực hỗ trợ, phối hợp cử chuyên gia chuyên môn giỏi tới Việt Nam giúp ban hành các văn bản pháp lý liên quan tới quy định phòng, chống doping. Cơ quan này đang thực hiện giám sát độc lập trong hoạt động của Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam. Ngoài ra, WADA tạo điều kiện để các dự án hợp tác giữa cơ qua phòng, chống doping của Trung Quốc (CHINADA) và Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam. Không chỉ WADA, Việt Nam cũng nhận được sự đồng hành và giúp đỡ từ tổ chức SEARADO và thực hiện tuân thủ các quy định đúng yêu cầu trong phòng, chống doping và thực hiện các chương trình giáo dục cho HLV, VĐV công tác phòng, chống doping.
SOMS-15 (kéo dài tới hết ngày 16-10) thu hút 70 đại biểu quốc tế tới từ 10 nước ASEAN, Timor Leste, Nhật Bản, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN và các đối tác (tham dự họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) như: Liên đoàn cờ Đông Nam Á (ACC), Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn các môn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (APSF), Tổ chức phòng, chống doping Đông Nam Á (SEARADO), Tổ chức Quyền được chơi (The Right to Play), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và chữ thập đỏ quốc tế (IFRC), Ban Thư ký Khối thịnh vượng chung, Liên đoàn thể thao trường học quốc tế (ISF), Tổ chức tư vấn Portas của Ban Thư ký ASEAN, Quỹ chia sẻ tình yêu hiệp hội bóng đá Hàn Quốc-KFA, Trường Đại học Sangmyung Hàn Quốc, Trường Đại học Khoa học Thể thao Nippon (NSSU), Trường Đại học Seijo (SGE), Tổ chức Thể thao cho ngày mai (SFT)…
Trong các ngày tiếp theo, các đại biểu sẽ dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMS) + Nhật Bản lần thứ 7; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMS) + Trung Quốc lần thứ 3.