Cụ thể, theo dõi trận đấu giữa Việt Nam - Lào ở AFF Cup 2020 trên nền tảng mạng xã hội Youtube, phần cử quốc ca của hai đội tuyển không được nghe tiếng. Trên sóng trực tiếp, đơn vị nắm giữ bản quyền phát đi thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”.
Câu chuyện tắt tiếng khi các tuyển thủ cử quốc ca đến từ việc đơn vị phát sóng lo ngại bị cáo buộc vi phạm bản quyền bản ghi âm (bản ghi âm không phải bản quyền quốc ca) dẫn tới ảnh hưởng doanh thu.
Tuy nhiên nhìn rộng ra, sự việc đã dẫn đến lệch pha giữa luật, thi hành luật với tính thời đại. Đây không phải câu chuyện mới, nhưng vì sao vẫn chưa được giải quyết?
Trao đổi với SGGPO, nhà báo/nhạc sĩ Hà Quang Minh cho biết: “Muốn có giải pháp thì trước tiên phải am hiểu và nắm rõ luật sở hữu trí tuệ. Trong luật sở hữu trí tuệ có một điều khoản loại trừ không nhiều người để ý là: Sử dụng vào mục đích quốc gia và giảng dạy. Người ta sẽ quy việc phát nội dung trận đấu trên mạng xã hội Youtube là hoạt động kinh doanh nội dung số. Do đó, họ đánh vào bản quyền bản ghi âm”.
Từ quan điểm của ông Hà Quang Minh, phải có một bản ghi âm quốc ca, quốc thiều do Nhà nước quản lý và sở hữu toàn dân, mọi người được dùng miễn phí. Bản ghi này không đơn vị nào được phép xác nhận bản quyền ngoài Chính phủ. Và cơ bản hơn, cần có Luật hoặc Pháp lệnh về quốc ca, quy định rõ các yêu cầu bắt buộc khi sử dụng quốc ca, phạm vi, cách diễn tấu...
“Tôi đã trao đổi với nhạc sĩ Đức Trí về việc ghi âm quốc ca, quốc thiều hiến tặng Nhà nước để toàn dân dùng miễn phí. Tôi đã ước tính chi phí sản xuất, gồm: thu âm, nhạc công dàn nhạc, dàn hợp xướng... với một số tiền lớn. Tôi kỳ vọng có nhà tài trợ đồng hành, tham gia thì xem như đó là quà tặng của nhà tài trợ tặng Chính phủ, còn chúng tôi chỉ góp công sức vào đó. Và tuyệt đối chúng tôi không nhận quyên góp cộng đồng vì không đúng luật”, ông Hà Quang Minh chia sẻ. |