Chuyện ở một giải “phủi”

Chuyện thật như đùa trong bóng đá, bởi ở đâu người ta cũng đều mong có đông khán giả, thế nhưng ở giải bóng đá phong trào 7 người Hà Nội Premier League (HPL), Ban tổ chức (BTC) lại sợ và nhiều thời điểm lại mong khán giả đừng đến đông hơn nữa.

Chuyện thật như đùa trong bóng đá, bởi ở đâu người ta cũng đều mong có đông khán giả, thế nhưng ở giải bóng đá phong trào 7 người Hà Nội Premier League (HPL), Ban tổ chức (BTC) lại sợ và nhiều thời điểm lại mong khán giả đừng đến đông hơn nữa.

Mong khán giả đừng… đông thêm

HPL là tên viết tắt của Hanoi Premier League, là giải đấu do Công ty CP Bóng đá Việt - VietFootball tổ chức. Giải thi đấu theo thể thức đá giải chuyên nghiệp với 11 vòng đấu có lên xuống hạng, hàng tháng có bình bầu các giải thưởng tập thể, cá nhân rất xôm tụ.

Mùa đầu tiên năm 2013, HPL-S1 tổ chức ở sân Trung tâm CLB bóng đá Hà Nội, BTC phải mua 2 hàng ghế nhựa để cho CĐV ngồi xem bóng đá. Khai mạc HPL-S2 (mùa 2), khuôn viên cũ của CLB Hòa Phát Hà Nội vỡ vì quá đông, khán giả trèo lên mái nhà, leo lên cây và có người ngồi trên trụ tường để ngóng vào sân. Tắc đường, không có chỗ để xe và vì đến muộn, nhiều CĐV vứt bừa ô tô, xe máy ngoài đường không cần trông để kịp vào sân.

Lập tức, BTC đổi sang sân Bộ Công an có khán đài với sức chứa 2.000 ghế. Thế nhưng vẫn không tải nổi, 3 bãi xe rộng mênh mông cũng không đủ chỗ khiến tất cả các con đường đến sân đều thành chỗ giữ xe. Chen chân trên khán đài, khán giả tràn xuống đường piste ngồi xem. Nhiều khán giả vì máu quá nên không dám đi… vệ sinh vì sợ mất chỗ.

Ở HPL-S2, BTC tường thuật trực tiếp mỗi vòng 3 trận hay nhất trên mạng YouTube xuất phát từ một lý do mà BTC không dám nói: Phải làm vì cũng mong nắng nôi, khán giả ở nhà xem qua mạng, chứ ra sân đông quá thì không có chỗ cho khán giả, không thể đáp ứng được nhu cầu, chẳng lẽ lại đưa một giải phong trào ra sân Hàng Đẫy hay Mỹ Đình đá?!

Chuyên nghiệp cũng mê

Sau chuyến về thăm nhà, HLV Phan Thanh Hùng trên đường ra Hà Nội đã gặp một fan hâm mộ trên máy bay. Hợp nhau, hợp đồng được ký ngay tại sân bay và HLV trưởng của Hà Nội T&T trở thành giám đốc kỹ thuật của một đội bóng tham gia HPL-S2.

Thầy ngồi khu kỹ thuật, trên sân thì học trò đấu nhau. Có đến nửa đội Hà Nội T&T “đầu quân” cho các đội “phủi” như: Quốc Long, Ngọc Duy, Sầm Ngọc Đức, Ngọc Tú khoác áo đội Tin lớn & Anh em, trong khi Thành Lương, Văn Quyết, Hải An chơi cho đội Hải Anh.

Giải có sự góp mặt của Quả bóng vàng, bóng bạc, gần cả đội hình đội tuyển quốc gia cùng các cựu tuyển thủ như Đặng Phương Nam, Tuấn Thành, Quốc Trung (đá mùa đầu) đến Sỹ Mạnh, Tiến Thành, Văn Thắng, Đình Tùng (mùa này), ngoài các “sao” của Hà Nội T&T, CLB Hà Nội, Hải Phòng, Than Quảng Ninh thì nguyên dàn SLNA sẽ đầu quân cho Văn Minh, với Trọng Hoàng, Văn Bình, Hồng Việt…

Vượt 300km đá “phủi”

Tham gia HPL-S2 có đội Văn Minh đến từ Vinh - Nghệ An. Cứ tối thứ bảy, cả đội lên xe ra Hà Nội để hôm sau thi đấu và tối lại về để sáng hôm sau kịp đi làm. Họ mang ra Hà Nội một màu sắc đặc biệt, được cả thủ đô yêu mến và trận nào đá cũng kéo đông nghịt CĐV vây quanh sân.

Nếu như HPL-S2 có Văn Minh và Q.9 (Nam Định) thì ở HPL-S3 tới sẽ có thêm FC Du lịch. Để được dự giải, họ phải đá play-off. Cả tháng trước, cứ cuối tuần là cả đội Du lịch từ Lào Cai chạy xe về Hà Nội tập để rồi khi giành vé vào chơi chính thức, những chàng trai này ăn mừng như vô địch mất… 2 ngày mới chịu về nhà. Với họ, được tham dự HPL là may mắn, là được chơi và “Thế là từ giờ, cứ cuối tuần lại được đi 300km xuống Hà Nội. Vui rồi…”

Tài trợ xếp hàng

Sau 2 năm Bia Hà Nội đồng hành, ở HPL-S3 này thì bia Sài Gòn thay thế, gắn tên với giải đấu thành giải bóng đá phong trào ngoại hạng Hà Nội lần thứ ba - Cúp Bia Sài Gòn Special. Đặc biệt, giải “phủi” này còn có rất nhiều các thương hiệu đi cùng, như bóng Động Lực, nước uống Miru, huy chương TechcomGifl; các nhà tài trợ như Olympic, Hanel, Javabike, thang máy Thành Phát…

LIÊM THANH

Tin cùng chuyên mục