Chuyện dài kỳ với những thầy ngoại, vận động viên ngoại

Bóng đá Thanh Hóa tiếp tục phải đền bù cho cầu thủ ngoại lên đến tiền tỉ đồng trong khi một số chuyên gia ngoại khóc dở mếu dở khi làm việc tại Việt Nam...
HLV Park Chung-gun vẫn đang làm việc tại đội tuyển bắn súng Việt Nam. Ảnh: MINH MINH
HLV Park Chung-gun vẫn đang làm việc tại đội tuyển bắn súng Việt Nam. Ảnh: MINH MINH

Igor Jelic là cầu thủ ngoại mới nhất thi đấu tại giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) đã thắng kiện và tới đây sẽ được đội bóng đá Thanh Hóa đền bù gần 170.000 USD. Nhìn lại câu chuyện về thuê thầy ngoại và vận động viên ngoại, rất nhiều trường hợp không nói ra nhưng cũng đang ngậm bồ hòn làm ngọt.

Hiện tại, đội tuyển võ gậy (Arnis) của Việt Nam đã được thành lập và tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 32 ở Campuchia. Toàn đội tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Đội có một chuyên gia người Philippines đang tập huấn cùng. Thế nhưng, vào lúc này, chuyên gia vẫn làm việc hoàn toàn là người...cộng tác không có lương dù mức lương được đưa ra không cao: 1.000 USD/tháng. Chuyên gia chưa được lương lẫn chế độ khi làm việc cùng đội tuyển Arnis có thể gặp khó khăn một phần không đủ bằng cấp về huấn luyện theo đúng quy định nhưng rõ ràng, nhà quản lý chưa thể có cơ chế phù hợp để trả lương cho người lao động mà ở đây là chuyên gia nước ngoài.

Trong khi đó, chuyên gia Park Chung-gun của đội bắn súng Việt Nam đang gặp khó khăn vì chưa được ký hợp đồng lao động từ Trung tâm HLTTQG Hà Nội (tính tới hết tháng 2-2023). Bộ môn bắn súng đã trình kế hoạch tập huấn, tập trung con người với lãnh đạo Tổng cục TDTT và đã được thông qua. Đội tuyển quốc gia tập trung từ ngày 1-1-2023 và ông Park Chung-gun đảm nhiệm vai trò HLV trưởng. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng lao động lại phụ thuộc vào Trung tâm HLTTQG Hà Nội (nơi đội tuyển bắn súng Việt Nam tập huấn) do các kinh phí cấp từ Tổng cục TDTT dựa trên kế hoạch tập luyện thi đấu của đội tuyển quốc gia được cấp trực tiếp theo quy định tới nơi đội tuyển tập luyện.

Chỉ khi có được hợp đồng lao động ký theo đúng pháp luật của Trung tâm HLTTQG với chuyên gia, tính pháp lý mới đúng và khi đó, việc người lao động là chuyên gia ngoại mới được hưởng lương theo hợp đồng. Không riêng môn bắn súng, một số môn thể thao khác khi mời chuyên gia ngoại về cũng phải chờ một thời gian thẩm định của Trung tâm HLTTQG nơi họ tập huấn tập luyện sau đó mới có hợp đồng lao động được ký. Hay như trường hợp chuyên gia Yu Zhi Go (Trung Quốc) của đội tuyển bóng bàn Việt Nam, phải tới cuối tháng 2 vừa qua, hợp đồng lao động giữa chuyên gia này với Trung tâm HLTTQG Hà Nội mới được thực hiện và sau đó, lương mới được trả theo các mức đã quy định trong hợp đồng ký kết.

Bóng chuyền, bóng rổ là những môn thi đấu tại Việt Nam đang cho phép thuê cầu thủ ngoại tranh tài chính thức. Bóng chuyền cho cầu thủ ngoại dự giải vô địch quốc gia trong khi bóng rổ chỉ cho phép tham gia giải chuyên nghiệp VBA. Chi phí chuyển nhượng của cầu thủ luôn là điều giấu kín cũng như các chế độ đãi ngộ mà đội bóng mời họ về phải thực hiện nhưng có một điều chắc chắn là khi đã thuê ngoại binh, tất cả đều chuyên nghiệp trân trọng hợp đồng đã ký và thực hiện đúng cam kết.

Sự việc của chuyên gia Park Chung-gun sẽ chỉ hanh thông khi Trung tâm HLTTQG Hà Nội ký hợp đồng lao động và chắc chắn, người làm chuyên môn rất chờ đợi điều ấy.

Tuy nhiên, trong lịch sử, không ít trường hợp chúng ta ký hợp đồng lao động với chuyên gia ngoại nhưng lại gặp những cuộc chia tay nhanh chóng. Đơn cử HLV Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) từng được thuê về huấn luyện đội bóng chuyền nữ vào năm 2017. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy ba tháng làm việc, vị chuyên gia này bất ngờ về nước và xem như kết thúc chương trình làm việc với bóng chuyền Việt Nam.

Về quy trình, khi các bộ môn (Tổng cục TDTT) hoặc Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của môn cụ thể đề xuất ký hợp đồng với chuyên gia mời về huấn luyện đội tuyển quốc gia sẽ trình lên lãnh đạo Tổng cục TDTT và dựa trên các kế hoạch cùng mục tiêu thành tích và số tiền lương, nhà quản lý mới quyết định thuê hay không. Tuy nhiên, sau khi có sự đồng ý này, việc ký hợp đồng sẽ giao cho đơn vị quản lý trực tiếp là các Trung tâm HLTTQG nơi đội tuyển thể thao ấy tập huấn ký đúng trách nhiệm nhiệm vụ vì đây là nơi sẽ trả lương cho chuyên gia. Không ai muốn những khúc mắc và quan trọng nhất vẫn phải là sự hiểu ý, phù hợp cả từ chuyên môn cho tới mục tiêu chiến lược do nhà quản lý hướng tới.

Tin cùng chuyên mục