Ở bóng đá đỉnh cao, sau khi Navibank Sài Gòn giải thể, hiện tại bóng đá thành phố chỉ còn SG Xuân Thành. Việc lãnh đạo đội bóng này có những đề nghị xin hỗ trợ từ thành phố đang gặp những phản ứng trái chiều trong dư luận, nhưng họ đang là đại biểu duy nhất của bóng đá TPHCM ở V-League.
Chính sự xuất hiện của SG Xuân Thành sẽ làm cho sân Thống Nhất tiếp tục sáng đèn ở mùa bóng tới và nhiều người rất chờ đợi sự hỗ trợ hoặc vai trò cầu nối của HFF. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của đội bóng này không giấu nỗi buồn khi HFF có hàng chục giải đấu, thậm chí là giải đấu quốc tế vào cuối năm nhưng lại không tổ chức nổi một giải tập huấn, đại loại là giải Tứ hùng như Navibank Sài Gòn đã làm trước mỗi đầu mùa bóng. Ít ra nếu làm được điều ấy cũng thể hiện được chút gì đó sự quan tâm của HFF.
Ngay trong chiến lược phát triển bóng đá trẻ, phong trào, người ta cũng quên mất là đang có sự hiện diện của CLB TPHCM, đội bóng vốn đã gồng sức chiến đấu hết mùa này sang mùa khác để rồi phải xuống hạng nhì mùa bóng vừa qua. Cũng chẳng thấy có phương án hỗ trợ, tiếp sức gì cho đội này trong mùa bóng 2013 như thể đây là những đội chuyên nghiệp và quản lý độc lập nên HFF không có khả năng can thiệp.
Có dư luận cho rằng thay vì đầu tư, tập trung xây dựng đội trẻ TPHCM từ hạng nhì lên V-League, nên chăng san sẻ, hỗ trợ thêm vào những đội bóng đang có sẵn mà trong lúc này những khó khăn của họ là rất thực.
Nguyên Chủ tịch HFF nhiệm kỳ 4, ông Trần Duy Long chia sẻ: “Nhiều vấn đề trong thông cáo báo chí vừa qua thực tế là nhiệm kỳ cũ đã làm và làm rất tốt rồi, như công việc ở tầm nhìn châu Á, các giải đấu phong trào… nên chuyện phải tiếp tục phát huy là bình thường. Điều tôi lo ngại là không thấy đụng gì đến bóng đá đỉnh cao mà HFF phải có trách nhiệm đấy chứ. Chúng ta đang là cánh tay nối dài với các CLB mà SG.XT đang là thành viên của HFF thì mình càng phải có trách nhiệm, tôi không biết có mời không nhưng nếu hôm đại hội mà không mời đại diện của đội bóng này đi dự thì rất nguy hiểm”.
Về định hướng tương lai, ông Long nói thêm: “Mình đã làm được gì để giúp cho người ta trong khả năng thì cố gắng làm. Trong lúc này, SG.XT thi đấu V-League là động lực về tinh thần cho các tuyến trẻ của thành phố phấn đấu, họ nhìn thấy có đầu ra để mà an tâm tập luyện. Chứ đặt trường hợp nếu không có đội bóng này ở V-League, hiện tại hạng nhất cũng không thì ảnh hưởng đến tâm lý của các tuyến trẻ lẫn phụ huynh lắm khi không thấy hướng nào ở đầu ra cả. Sở VH-TT-DL được lập ra là để quản lý thể thao. Rồi sở lập ra HFF nhằm làm cánh tay nối dài với phong trào bóng đá thành phố. Với tôi, bản báo cáo chưa toát được nhiều điều”.
Khánh Vân
Tính kế thừa ở đâu?
Đến thời điểm này, LĐBĐ TPHCM (HFF) chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ 5 nhưng là LĐBĐ cấp địa phương đầu tiên của cả nước. Ở nhiệm kỳ đầu tiên (từ 1990 đến 1997), HFF khi đó còn được ví như là “văn phòng đại diện” của LĐBĐ Việt Nam bởi nội lực của liên đoàn rất mạnh, đi tiên phong về bóng đá chuyên nghiệp. Thậm chí, có người còn ví trụ sở của VFF nằm ở sân Thống Nhất chứ không phải tại Hà Nội. Đến nhiệm kỳ 2 (1998-2002), HFF còn tiến thêm một bước nữa là có những đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên, lập ra giải đấu quốc tế thường niên đầu tiên (cúp TPHCM).
Đến nhiệm kỳ 3, trước các sa sút của bóng đá đỉnh cao, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy, ông Trần Văn Tạo, đã phải tuyên bố sẽ lấy lại hình ảnh cho trung tâm bóng đá số 1 Việt Nam. Nhiệm kỳ của ông Tạo vẫn không thành công, bóng đá TPHCM đứng trước nguy cơ “vùng trắng”, khi ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF, kế nhiệm, một lần nữa khao khát đem lại thời hoàng kim. Bằng rất nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, TPHCM vẫn luôn có đại diện đá ở giải cao nhất Việt Nam.
Những nỗ lực là đáng ghi nhận dù việc thực hiện nó khá gian truân khi HFF không giải nổi bài toán kinh tế cho các CLB chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất bất ngờ khi HFF nhiệm kỳ 5 lại không thể đả động gì đến bóng đá đỉnh cao, tính kế thừa hầu như không có, hay đúng hơn, chỉ kế thừa đúng phần bóng đá phong trào.
Rõ ràng, sự ra đời và tồn tại của HFF từ năm 1990 đến nay có mục đích rất rõ ràng đó là tiếp nối và duy trì truyền thống của bóng đá TPHCM. Trên thực tế, bóng đá đỉnh cao đang sa sút, ngoài lý do khách quan mà cả làng cầu Việt Nam đều như nhau đó là tài chính, thì TPHCM đang đánh mất nguồn lực bên trong dù thời hoàng kim qua chưa quá xa.
Theo ý kiến chung, nguồn lực ấy chưa được khơi gợi đúng mức chứ không hề thiếu. Ví dụ cụ thể là khi Sài Gòn Xuân Thành chơi tốt, đá đẹp, sân Thống Nhất vẫn đông nghịt khán giả. Đấy chính là cái mà người hâm mộ kỳ vọng ở HFF các nhiệm kỳ 3, 4 vừa qua. Vì thế, khi nhiệm kỳ 5 định hướng trọng tâm vào bóng đá phong trào và Futsal, sự thất vọng là dễ hiểu.
Dù cần phải có tập trung cho việc xây dựng nền tảng nhưng cứ nhìn vào thành phần 11 ủy viên BCH nhiệm kỳ 5 không ai thuộc về bóng đá đỉnh cao đủ để thấy bóng đá Sài Gòn không còn tính kế thừa nữa.
Đăng Linh