Chúng tôi cảm ơn... chúng ta

Không cần thì cứ bỏ đi

Hết sức âm thầm, Cúp Quốc gia và Giải hạng Nhất được gắn tên với Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank) để kịp có nhà tài trợ trước ngày khai mạc. Tất nhiên, ai cũng biết sự âm thầm đó vì đây là nguồn tài trợ của “người nhà”.

Tính đến thời điểm này, bầu Thắng đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam ít nhất là 3 nguồn tài chính thông qua các thương hiệu Đồng Tâm, sứ Thiên Thanh và Kienlong Bank, những công ty mà ông này làm chủ tịch. Chưa biết số tiền cụ thể là bao nhiêu nhưng nhiều hay ít cũng là quý vì cũng “cứu” cho VPF khỏi phải mang tiếng là bất lực trong việc kinh doanh thương quyền các giải đấu do mình quản lý.

Thật ra, ở góc độ tích cực thì cùng với việc IDC Becamex tham gia tài trợ cho VPF, có thể nói là những ông bầu kỳ cựu của bóng đá Việt vẫn đang thể hiện trách nhiệm và đam mê của mình đối với những thứ mà họ “lỡ” mang vào người.

Đấy có thể là sự hữu hảo, tình cảm nhưng cũng có thể là với kinh nghiệm của mình, các ông bầu vẫn tìm thấy ích lợi từ việc tài trợ cho bóng đá Việt. Nói gì thì nói, HAGL, Đồng Tâm, Becamex, Kienlong Bank, Eximbank… đều là những tên tuổi lớn, đủ để giữ thể diện cho các giải đấu đang sa sút về chất lượng và kém cỏi về hình ảnh.

Vấn đề nằm ở chỗ, các công ty vừa có CLB mà vừa tài trợ cho đơn vị quản lý giải đấu thì liệu có “danh chính, ngôn thuận” hay không? Rồi các công ty của ông Chủ tịch VPF tài trợ cho chính VPF thì có lấn cấn gì về mặt pháp lý hay không?

Sân Đồng Nai ngày khai mạc mùa giải mới, nhìn toàn cảnh chỉ thấy quảng cáo nhưng khán giả đến sân thì le ngoe. Suốt 5 năm qua, quảng cáo ở bóng đá vẫn còn bị bỏ ngỏ… Ảnh: Hoàng Hùng

Sân Đồng Nai ngày khai mạc mùa giải mới, nhìn toàn cảnh chỉ thấy quảng cáo nhưng khán giả đến sân thì le ngoe. Suốt 5 năm qua, quảng cáo ở bóng đá vẫn còn bị bỏ ngỏ… Ảnh: Hoàng Hùng

Chuyện nào ra chuyện đó: Giúp đỡ cho bóng đá là việc tốt nhưng để chuyện chung – chuyện riêng nhập nhằng với nhau thì kiểu gì cũng phải rơi vào cảnh “tình ngay, lý gian”, không hẳn là điều nên khuyến khích.

Hơn nữa, sự xuất hiện của Becamex hay Kienlong Bank cũng không thể che lấp được yếu kém trong khâu kinh doanh của VPF. Rõ ràng, những nguồn tài chính này có được nhờ cấp cao nhất chứ không phải từ bộ phận điều hành.

Điều này đã xảy ra với trường hợp Ngân hàng Eximbank và mối quan hệ của ông Lê Hùng Dũng, nay tái diễn tại VPF. Như vậy là suốt 5 năm qua, bóng đá Việt Nam tiếp tục sống nhờ các mối thâm tình của người nhà chứ trên thực tế vẫn chưa “bán” được cái gì cho đáng giá cả. Cũng đồng nghĩa là sự bất lực trong việc tìm đầu ra cho bóng đá nội vẫn còn đó.

Nói ví von, VPF đang cứ phải “chúng tôi cảm ơn... chúng ta” một cách khá chật vật. Công bằng mà nói, khâu điều hành của VPF có những bước tiến rõ rệt, tính chuyên nghiệp cao hơn.

Tuy nhiên, bao lâu nay, cái khó nhất của bóng đá Việt là tìm nguồn đầu tư mới, VPF vẫn chưa làm được. Họ mà không làm được, thì VFF làm sao làm?

Hồ Việt

Không cần thì cứ bỏ đi

Cúp Quốc gia có cần thiết không? Đương nhiên là cần, thậm chí là nhất định phải có, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thật ra thì bất kỳ giải đấu nào, từ giao hữu đến chính thức, cũng cần thiết với bóng đá bởi như vậy là sẽ có thêm trận đấu để tránh lãng phí trong quá trình đầu tư vào bóng đá. Có thêm trận đấu là thêm tiền, thêm hình ảnh, nghĩa là thêm quyền lợi.

Nhưng nếu như chẳng có quyền lợi nào, thì liệu có còn ý nghĩa hay không?

Cúp Quốc gia của Việt Nam, ngoài trận chung kết (có thể thêm các trận bán kết) là tương đối kéo được khán giả đến sân, phần còn lại của giải đều diễn ra chung một kịch bản: thắng thì đi tiếp, thua thì vỗ tay mừng “thoát nợ”.

Những trận đấu về mặt chuyên môn là khá ít, lại không có quyền lợi tài chính, cũng chẳng kích thích nổi phong trào khi mà hạng Nhất năm nay chỉ có 8 đội, đá thêm 1-2 trận cũng chẳng giải quyết được gì.

Thế nên, theo chúng tôi, nếu Cúp Quốc gia thật sự không đạt hiệu quả nào thì cũng nên bỏ đi hoặc thiết kế thành một giải đấu ở thể thức khác nhằm bảo đảm tiêu chuẩn của quốc tế về số lượng giải nội địa mỗi năm.

Tại Việt Nam, gần như chỉ có mô hình đá “league” (tức là có 2 lượt đi – về) là còn thu hút được khán giả. Nên chăng VFF nên tính đến phương án bỏ Cúp Quốc gia, thay bằng giải Cúp Liên đoàn chẳng hạn với thể thức của V-League nhưng dành cho các đội bóng từ hạng Nhì trở lên…

Không việc gì phải photocopy đúng nguyên bản của quốc tế, dựa vào đặc thù của bóng đá Việt, biết đâu lại có hướng ra?

Việt Long

Tin cùng chuyên mục