Gánh nặng tài chính tổ chức V-League 2014 dồn hết lên đôi vai của nhà tài trợ Eximbank. Nhưng điều ngạc nhiên, trong cảnh thắt lưng buộc bụng như chính VPF thừa nhận, V-League 2014 lại mọc ra hàng loạt giải thưởng…
Đủ kiểu giải thưởng
Hợp đồng tài trợ giữa Eximbank và VPF chưa được chính thức ký kết. Tuy nhiên, VPF đã có sự đảm bảo của ông chủ nhà băng này - ông Lê Hùng Dũng, người cũng là Phó Chủ tịch HĐQT VPF.
Cũng bởi thế, VPF đã có trong tay hơn 40 tỷ tổ chức V-League 2014. Vài ngày tới, hợp đồng giữa Eximbank và VPF chính thức ký kết, đảm bảo cho hầu bao của V-League 2014 không bị rỗng ruột.
Có lưng vốn từ Eximbank, nhưng do đang tình trạng thắt lưng buộc buộc, vì vậy, VPF buộc phải chi tiêu hết sức hợp lý.
Theo tính toán của VPF, khoản thưởng dành cho nhà vô địch, Á quân và hạng Ba không thay đổi so với mùa 2013. Theo đó, nhà vô địch V-League ngoài cúp, huy chương vẫn nhận 4 tỷ đồng tiền thưởng, còn Á quân và hạng Ba lần lượt nhận 2 và 1 tỷ đồng. Con số này bất di bất dịch so với mùa giải 2013, chưa kể 13 đội dự V-League 2014 còn phải đóng 500 triệu đồng lệ phí tổ chức.
Bóp mồm bóp miệng ở những giải thưởng giá trị nhất, nhưng rất thú vị ở chỗ, BTC V-League 2014 lại “vẽ” ra rất nhiều giải thưởng phụ. Cụ thể, nếu điều lệ V-League 2014 được VFF thông qua như dự thảo mới công bố, V-League 2014 có hàng loạt giải thưởng phụ: Đội hình tiêu biểu, CLB có mặt sân thi đấu tốt, CLB đào tạo trẻ tốt, Bàn thắng đẹp nhất giải, Cầu thủ xuất sắc nhất CLB, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất…
Mỗi giải thưởng này đều được xây dựng lộ trình, đối tượng bầu chọn khá cụ thể. Ý tưởng mà VPF đặt ra khi tạo “mưa” giải thưởng như vậy là để tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn cho V-League.
Bên cạnh việc tăng những giải thưởng phụ, V-League 2014 còn hỗ trợ cho các đội bóng khi đá sân khách được 15 triệu đồng/đội. Riêng 2 đại diện Việt Nam dự AFC Champions League và AFC Cup là HN.T&T và V.Ninh Bình được hỗ trợ 200 triệu đồng di chuyển vòng loại, có thể tăng thêm 100 triệu đồng/ đội nếu đi sâu ở sân chơi này.
Thành hay bại?
Có nhiều lo lắng khi V-League 2014 chỉ có 13 đội tranh tài, bởi mỗi vòng đấu buộc phải có 1 đội bóng nghỉ chơi. Vì phương án lẻ này, HAGL bị lá thăm đẩy vào mã số xấu đã nổi cáu, đề nghị VPF xem xét lại lịch thi đấu. Có thông tin cho hay, trường hợp VPF không xem xét lại, không loại trừ khả năng HAGL với tư cách là đơn vị bảo trợ cho V-League cắt 5 tỷ đồng hỗ trợ/mùa cho V-League.
Đương nhiên, vấn đề làm V-League đau đầu nhất lúc này vẫn chính là nguy cơ tiêu cực khi số đội chơi bị lẻ. Nhà tổ chức đang tính đủ phương cách ngăn chặn nguy cơ xấu xí này, từ việc thuê Trưởng giải đến từ Nhật Bản cho đến những biện pháp mang tính tình thế. Chẳng hạn như việc treo thưởng lớn cho trọng tài tố giác tiêu cực khi được đội bóng “tặng” tiền, hay việc nở rộ những giải thưởng như vừa đề cập.
Dẫu sao, từ ý tưởng đến thực tế là khoảng cách không hề dễ san lấp. Bằng chứng là những ý tưởng do VPF đề ra, chưa chắc đã được hợp thức hóa. Cơn mưa giải thưởng mà VPF đưa ra trong dự thảo điều lệ còn phải chờ sự phê duyệt của VFF, bằng không thì VPF buộc phải điều chỉnh theo yêu cầu của VFF. Nó cũng giống như phương án tinh gọn V-League xuống còn 12 đội của VPF, nhưng lại không nhận được sự chấp thuận từ VFF.
Chống tiêu cực bằng… giải thưởng, VPF có thành công?
Thanh Chi