Canh tác lúa thông minh ở ĐBSCL: Nông dân Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre tự tin làm chủ vụ mùa
SGGPO
Mặc dù gặp không ít khó khăn trên những diện tích dất bị nhiễm mặn, nhưng bà con nông dân tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre đã thực sự làm chủ được đầu vào, áp dụng linh hoạt đồng bộ các giải pháp để đạt được năng suất và lợi nhuận cao trong vụ Hè Thu 2021, với năng suất tăng từ 170-650kg/ha và lợi nhuận tăng thêm từ 0,85 đến 4,73 triệu đồng/ha so với đối chứng. Điều này càng củng cố thêm cơ sở để mô hình Canh tác lúa thông minh tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Chiều ngày 21-9, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre tổ chức buổi tổng kết trực tuyến Chương trình canh tác lúa thông minh cho vụ mùa hè Thu 2021.
Theo đó, bà con nông dân trồng lúa tại 3 địa phương ven biển vùng ĐBSCL này năm nào cũng gặp không ít khó khăn do xâm nhập mặn cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu. Chưa kể, đây cũng là những vùng đất bị nhiễm phèn, thiếu nước tưới và thời tiết thất thường nên khó khăn lại càng chồng thêm khó khăn.
Ông Doãn Văn Chiến (Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phải) và Ông Phan Văn Tâm (Gíam đốc Marketing, Cty CP Phân bón Bình Điền, trái).
Chương trình Canh tác lúa thông minh, bên cạnh việc mang đến cho bà con các gói kỹ thuật canh tác đồng bộ, chương trình đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặn, pH tự động; trang bị cho nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn cầm tay, bộ test đo pH; phân tích mẫu đất đầu vụ; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng các giải pháp canh tác thông minh trong điều kiện nhiễm mặn… đã giúp nông dân trong mô hình trở thành “chuyên gia”, làm chủ được tình hình và mang lại hiệu quả canh tác cao trên đồng ruộng.
Vụ Hè Thu 2021 vừa qua tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre đã mang đến nhưng thành tựu đáng kể. bằng chứng là tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình được thực hiện tại ấp 15, xã Phong Tân, huyện Giá Rai với giống Hương Châu 6 bằng hình thức sạ lan bằng máy phun.
Mô hình Canh tác lúa thông minh tại tỉnh Bạc Liêu.
Lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 80kg/ha, giảm 20kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 33,2kg/ha Đạm, 28,7kg/ha Lân; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 6,15tấn/ha lúa tươi, tăng 170kg/ha; Lợi nhuận đạt 13,965 triệu đồng/ha, cao hơn 849.000 đồng/ha so với đối chứng.
Ở Kiên Giang, mô hình được thực hiện tại ấp Mương Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất với giống Đài Thơm 8 bằng hình thức cấy tay, và giống OM 4900 bằng hình thức sạ lan bằng máy phun. Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng tương đương nhau trung bình 80kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất mô hình giảm 20,75kg/ha Đạm, 5,5kg/ha Lân, 22,5kg/ha Kali; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 6,2tấn/ha lúa tươi, tăng 200kg/ha; Lợi nhuận đạt 18,7 triệu đồng/ha, cao hơn 4,16 triệu đồng/ha so với đối chứng.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ và các nhà chuyên môn của Cty CPPB Bình Điền thăm cánh đồng áp dụng mô hình Canh tác lúa thông minh ở ĐBSCL.
Còn tại Bến Tre, mô hình được thực hiện tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri với giống OC 10 bằng phương pháp sạ lan bằng tay. Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng sử dụng tương đương nhau 100kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 31kg/ha Đạm, 9kg/ha Lân; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 5,2tấn/ha lúa khô, tăng 650kg/ha; Lợi nhuận đạt 17,756 triệu đồng/ha, cao hơn 4,73 triệu đồng/ha so với đối chứng.