Sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết, trong hoàn cảnh hiện nay đội tuyển Việt Nam cần có thầy ngoại. Và phía VFF sẽ liên hệ với Nhật Bản để kiếm thầy xịn rồi mời sang nắm đội tuyển sau những bết bát vừa rồi.
Chuyện tìm ra người đứng đầu đội tuyển còn phải chờ. Thế nhưng, phát biểu của ông chủ tịch được dư luận cho là phù hợp với bóng đá nội hiện nay khi có nhiều điểm tương đồng, xen lẫn sự khắng khít lâu nay giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Có thực tế là từ khi dùng thầy ngoại bắt đầu năm 1994 với ông Tavares và sau đó là HLV Weigang hay Colin Murphy, Riedl, Dido, Letard, Calisto rồi F.Goetz… đến nay chưa có nhà cầm quân nào xuất thân ở xứ sở mặt trời mọc, đa phần đến từ các nước thuộc châu Âu, Nam Mỹ.
Không phải đến giờ bóng đá của ta và Nhật Bản mới trao đổi lẫn nhau.
Trong quá khứ, từng nhiều lần có cơ hội học hỏi từ nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu lục thông qua những chuyến thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Hoặc gần hơn là U19 của nước bạn dự Cúp Tứ hùng quốc tế hồi đầu năm 2014, hay mới nhất là VPF cho mời chuyên gia Tanaka sang làm Trưởng giải. Tất nhiên, chuyện mời người Nhật sang làm việc không chỉ vì cần trình độ mà còn cả tính chuyên nghiệp, tinh thần vượt khó cùng với tính kỷ luật cao của họ.
Sự thật là chỉ nhìn vào đội tuyển U19 Nhật Bản hồi dự Cúp Tứ hùng cách đây gần 3 tháng sẽ rõ. Đối phương ngày đó đến dự giải với thái độ rất nghiêm túc. Ngay cả những buổi tập thì tính kỷ luật vẫn được đề cao, và đương nhiên là trong thi đấu cũng luôn hết mình chứ không coi thường đối thủ.
Cứ nhìn việc U19 Nhật Bản dẫn trước U19 Việt Nam 3-0 chỉ trong những phút đầu trận, nhưng sau đó vẫn chơi tấn công tới cùng để thắng 7-0 chứ không hề “tinh tướng” như nhiều đội bóng trong nước của ta là đủ hiểu. Thậm chí sau trận đấu, toàn thể BHL và cầu thủ còn cúi đầu lễ phép chào khán giả trên sân Thống Nhất.
Nhìn các cầu thủ trẻ của bạn tập luyện và thi đấu với phong thái chuyên nghiệp người hâm mộ trầm trồ khen ngợi, ước gì ta có nhiều lứa như thế.
Không chỉ ở cấp đội tuyển mới đáng để học, mà ở giải V-League ông Tanaka vừa nhận việc chỉ vài vòng đấu nhưng tình hình đã khác xưa nhiều thứ. Thật nghịch lý là trước khi chuyên gia này ngồi ghế Trưởng giải ai cũng thấy đó nhưng không làm được.
Đầu tiên là đề xuất phạt nguội thật nặng với những hành vi bạo lực sân cỏ cộng với phạt tiền khiến nhiều cầu thủ sợ xanh mặt vì có nguy cơ tự đá bể “nồi cơm”. Tiếp đó là cấm HLV, quan chức đội bóng cũng như cầu thủ chửi mắng trọng tài, vì sẽ có nguy cơ bị kỷ luật. Hai vấn đề nghe qua đơn giản nhưng bóng đá trong nước vốn quen thói xuê xoa nên mới rối rắm, nhưng có chuyên gia ngoại ngồi vào thì nhiều thứ đi vào ngăn nắp.
Nay thì tới chuyện VFF tính mời HLV trưởng người Nhật Bản sang làm việc. Chuyện thành tích chưa biết ra sao nhưng rõ ràng là làm việc với họ sẽ vỡ ra được nhiều thứ như vừa nói ở trên cùng vấn đề chuyên môn nữa.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng cần thấy là ta còn phải học rất nhiều ở bạn, không chỉ từ chất xám mà còn cả những tính cách, hành xử gắn liền. Cứ nhìn người dân Nhật Bản vượt qua thiên tai địch họa để đứng dậy mới thấy mình còn học nhiều lắm.
ĐỨC DŨNG