Trao đổi ngày 30-6, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cho biết “quyết định của Bộ VH-TT-DL và thành lập Cục TDTT đã có. Theo thời gian, việc công bố là ngày 1-7 tuy nhiên thời điểm rơi vào cuối tuần đồng thời các cán bộ quản lý đang đi công tác chuyên môn tại địa phương. Dự kiến ngay thứ Hai tuần tới, các Quyết định sẽ được công bố và trao cụ thể”. Như vậy, quyết định bổ nhiệm nhân sự Cục trưởng, Cục phó Cục TDTT và Quyết định thành lập Cục TDTT sẽ được trao đầu tuần tới.
Trước đó ở ngày Ngày 5-6, Bộ VH-TT-DL ban hành ra Quyết định 1440/QĐ-BVHTTDL để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục TDTT và Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Điều này đồng nghĩa, Tổng cục TDTT chính thức trở thành Cục TDTT vào thời điểm trên.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt đã trao đổi thẳng thắn cùng báo chí ở ngày 20-6 vừa qua trước các câu hỏi về mô hình Cục TDTT sẽ được công bố. Ông Hà Việt đã cho biết, “đây cũng là việc người làm thể thao quan tâm. Thể dục thể thao là một ngành. Công việc của thể dục thể thao ngày càng nhiều hơn chứ không bớt đi và chúng ta có nhiều khởi sắc về công tác thể dục thể thao. Chúng ta có rất nhiều phong trào thể thao phát triển và nhiều ngành nghề được thành lập phát triển, phục vụ cho công tác thể thao. Thành tích thể thao của chúng ta có nhiều khởi sắc khi chúng ta từng kỳ vọng có HCV SEA Games rồi HCV ASIAD và HCV Olympic. Chúng ta đã có. Đó là một sự đầu tư bài bản, cần quá trình và chúng ta cần một bộ máy cùng đồng hành từ Bộ VH-TT-DL cho tới các đơn vị liên quan của Tổng cục TDTT. Sự phát triển của thể thao là liên tục. Ở cuộc họp sơ kết 6 tháng vừa qua của ngành, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục TDTT về thực hiện kinh tế thể thao.
Đồng thời, chắc chắn Luật thể thao cũng sẽ có nhiều thay đổi, điều chỉnh kèm với đó các thông tư, nghị định cần phải thay đổi. Khi thay đổi mô hình thành Cục TDTT, nhiều văn bản phải ban hành mới. Đồng thời, chúng ta cũng cần sự phối hợp giữa Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cùng quản lý nhà nước để có sự hiệu quả nhất. Cục TDTT cũng quản lý về chuyên môn và phân tách nhiệm vụ rõ ràng.
Mô hình Tổng cục TDTT chuyển thành Cục TDTT là cực kỳ vất vả cho ngành thể thao. Cấp quản lý cũng thấy được vấn đề này. Tuy nhiên, về mô hình thì cơ bản là vẫn giữ nguyên khi chuyển từ Tổng cục TDTT thành Cục TDTT. Chúng ta chỉ có hai đơn vị sự nghiệp là Tạp chí thể thao và Trung tâm thông tin sẽ sáp nhập khi thay đổi mô hình. Trước mắt, Cục TDTT vẫn giữ mô hình bộ máy để triển khai và đảm bảo các nhiệm vụ về lĩnh vực thể thao...”.
Cục TDTT là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, trụ sở tại thành phố Hà Nội. Cục TDTT có Cục trưởng và Phó Cục trưởng. Cơ quan này có 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ gồm Phòng TDTT cho mọi người; Phòng thể thao thành tích cao 1; Phòng thể thao thành tích cao 2; Phòng hợp tác quốc tế; Phòng kế hoạch, tài chính; Phòng tổ chức cán bộ; Văn phòng. Các đơn vị sự nghiệp công lập do Cục TDTT quản lý là Viện khoa học TDTT; Trung tâm HLTTQG Hà Nội; Trung tâm HLTTQG TPHCM; Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng; Trung tâm HLTTQG Cần Thơ; Trung tâm doping và y học thể thao; Trung tâm thông tin – truyền thông TDTT; Trung tâm thể thao Ba Đình; Bệnh viện thể thao Việt Nam và Khu liên hợp thể thao Quốc gia.
Ngày 28-6, Bộ VH-TT-DL đã công bố và trao quyết định để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng các quyết định nhân sự lãnh đạo Cục này. Theo quyết định, ông Nguyễn Trùng Khánh (nguyên Tổng cục trưởng) được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam còn có 3 Phó Cục trưởng.