Bóng lăn và nỗi lo

Sau vòng loại Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam quay lại với V-League cùng nhiều nỗi lo “ngủ quên” trong hai tuần nghỉ hẳn. Đấy cũng là quãng thời gian mà nhiều CLB lo ngại cầu thủ mất hứng vì đang ngon trớn thì bị chựng lại bởi… đội tuyển quốc gia.

Sau vòng loại Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam quay lại với V-League cùng nhiều nỗi lo “ngủ quên” trong hai tuần nghỉ hẳn. Đấy cũng là quãng thời gian mà nhiều CLB lo ngại cầu thủ mất hứng vì đang ngon trớn thì bị chựng lại bởi… đội tuyển quốc gia.

Bóng lăn và nỗi lo ảnh 1

Sân Pleiku luôn thu hút khán giả. Ảnh: Minh Trần

V-League trở lại sẽ được cập nhật nhiều vấn đề mới khác. Đó là cả làng cầu quốc nội vừa đá vừa ngóng SEA Games 29, nhưng sự thật không có nhiều nhân tố trẻ được đưa ra sân trui rèn, nhằm tính chuyện hái vàng tại Malaysia vào tháng 8. Thái Lan dẫu thua nặng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018, nhưng Thai-League vẫn vượt xa V-League cả về kinh phí lẫn quy mô tổ chức. Giải đấu của người Thái còn hơn ta ở sự phát triển bền vững từ các CLB qua khâu tổ chức, nhiều cầu thủ trẻ có cơ hội thử lửa, tính chuyên nghiệp và lượng khán giả theo dõi đông.

Nói về người xem đến sân lại liên tưởng V-League chiều nay chạy vòng 11, có nghĩa là lúc cả làng tung nước rút nhưng ít người tin tưởng khán giả sẽ tăng lên. Chắc chắn ngoài nỗi lo bạo lực sân cỏ, công tác trọng tài thì bằng cách nào để lôi kéo người hâm mộ là câu hỏi khó. Điều này chỉ ra nghịch lý là tiền đổ cho V-League năm nay cao hơn năm trước, mà khán giả vẫn chủ yếu tập trung ở các sân Thanh Hóa, Cẩm Phả, Lạch Tray, Pleiku, Hòa Xuân còn các sân khác bị coi là điểm tối.

V-League 2017 đang chứng kiến Quảng Nam trỗi dậy chứng tỏ mình ở phần trên bảng xếp hạng thì cùng theo đó lộ ra hai cựu vương B.Bình Dương, Long An gặp không ít khó khăn. Nếu đội bóng miền Tây hốt hoảng với vị trí chót bảng thì đại diện miền Đông dù nằm trong khu vực đèn đỏ vẫn kiên định với quan điểm làm bóng đá kiểu mới của mình. Đấy là thôi săn cầu thủ giá cao mà chăm lo đầu tư cho bóng đá trẻ, sau khi lập kỷ lục 4 lần vô địch V-League.

V-League năm nay tiếp tục là cỗ máy ngốn tiền. Nổi bật là Thanh Hóa, Than Quảng Ninh và TPHCM tiêu tiền như những “gã trọc phú”. Nếu đội bóng xứ Thanh tung tiền để tính đường vô địch, Than Quảng Ninh muốn lực lượng thêm dày hơn để còn đá AFC Cup.

Giải đấu đang vào giai đoạn cao trào chắc chắn các nhà làm giải cần cảnh giác nhiều hơn nữa. Bởi không loại trừ khả năng các đội bóng có quan hệ tình cảm với nhau và không dính dáng đến tiền bạc, nhưng vẫn chia sẻ kiểu bánh ít đi bánh quy lại. Cái khó của các nhà tổ chức là làm sao bắt tận tay day tận mặt chứ không phải chỉ hô hào cho có. Ngoài ra, phía ban tổ chức giải cũng cần cam kết ở phần còn lại của giải sẽ giảm thiểu phàn nàn về công tác cầm cân nảy mực, phân công trọng tài có năng lực và công tâm cho những trận cầu gay cấn.

Bóng V-League lại lăn sau nửa tháng nghỉ. Hy vọng người có trách nhiệm sẽ tạo ra được hành lang pháp lý đúng chuẩn để chấn chỉnh những mặt chưa được của giải đấu, tính từ ngày khai mạc đến nay.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục