Dù chuyện đi theo mô hình bóng đá Nhật Bản chỉ mới là quan điểm của cá nhân ông Lê Hùng Dũng được trình bày trong phần kế hoạch hành động trước khi được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 7, nhưng trên thực tế, đã có những bước đi âm thầm trước đó…
Người Nhật Bản chủ động bắt tay
Bốn năm trước, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã giao toàn bộ thương quyền của các đội tuyển quốc gia cho Dentsu, một tập đoàn quảng cáo tầm cỡ quốc tế. Ngay sau đó, là sự “đổ bộ” của hàng loạt thương hiệu lớn của Nhật Bản tham gia tài trợ VFF. Bên cạnh đó là chuyến tham quan Nhật Bản của các quan chức VFF, Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) cũng như trận giao hữu được tổ chức giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2012. Có thể thấy là ngay lập tức, bóng đá Việt Nam được “nâng tầm” khi là đối tác của làng bóng số 1 châu Á.
Mối quan hệ ấy dường như do phía Nhật Bản chủ động thực hiện trong nỗ lực quảng bá cho J-League, một phần trong chiến lược nâng tầm giải đấu này lên đẳng cấp thế giới. Bản quyền J-League được chuyển giao cho các đài truyền hình tại Việt Nam theo kiểu “vừa bán, vừa tặng”. Tiền đạo Lê Công Vinh sang đá ở J-League 2 theo tư cách đại sứ trước khi giải đấu này chính thức mở cửa tiếp nhận cầu thủ Việt Nam sang đá bóng trong thời gian tới.
Ở tầm vĩ mô, J-League ký hợp đồng đối tác chiến lược với V-League và sẵn sàng cung cấp chuyên gia để “phổ cập” bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, tiêu biểu là sự xuất hiện của ông Tanaka Koji với vai trò Trưởng ban tổ chức V-League. Có thông tin cho biết, toàn bộ nguồn tài chính cho những hoạt động nói trên đều do các tập đoàn Nhật Bản đài thọ dưới nhiều hình thức, bao gồm cả việc chọn HLV người Nhật Bản cho đội tuyển quốc gia sắp đến.
Có thầy rồi, học ra sao?
Bóng đá Nhật Bản chọn Việt Nam làm “sân sau” cho mình có thể là điều may mắn, nếu xét trên nhiều phương diện kinh tế - xã hội - chính trị. Chọn bóng đá Nhật Bản làm mô hình phát triển là điều hợp lý, khi có sự chủ động từ phía “ông thầy”. Vấn đề còn lại, bóng đá Việt Nam sẽ học cái gì và học ra sao?
Lời khuyên của chuyên gia Tanaka Koji là bóng đá Việt Nam phải làm lại từ đầu, ngay ở cấp CLB. Nghĩa là phải đưa mọi thứ vào khuôn khổ của bóng đá chuyên nghiệp chứ không có chuyện thích gì làm nấy rồi “du di” cho nhau như thời gian qua. Một người Nhật Bản khác, anh Kitaguchi, đến từ CLB Amatie, hiện đang mở trường dạy bóng đá mầm non và tiểu học, cho biết các CLB chuyên nghiệp ở Nhật Bản sẵn sàng đầu tư với điều kiện đối tác của họ tại Việt Nam cam kết làm bóng đá căn bản và lâu dài.
Những vấn đề nói trên đều là điểm yếu của bóng đá Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua, thế nên để tiếp cận nguồn vốn đầu tư cũng như công nghệ bóng đá của Nhật Bản hẳn không phải chuyện dễ dàng. Vì lẽ đó mà mục tiêu lớn nhất của VFF khóa 7 chính là đào tạo trẻ, tức là “xây nhà từ móng”.
Hy vọng, với những nền móng mà “ông thầy” Nhật Bản đã âm thầm xây dựng 4 năm qua, bóng đá Việt Nam sẽ có chiến lược cụ thể để tiếp thu. Muộn còn hơn không, đã đến lúc phải cắp cặp đi học thay vì cứ tìm cách hớt ngọn.
VIỆT QUANG