Bóng đá và giá trị xã hội

Để có Lê Công Vinh bằng đường “chính ngạch”, phải bồi hoàn 18 tỷ đồng cho CLB Hà Nội. Nghe thông tin đó, một ông bầu ở đội bóng nọ “cao giọng” tuyên bố: “Có cho không Công Vinh, tôi cũng không nhận”. Nếu không hiểu tường tận, người ta sẽ có cảm giác giá trị của một cầu thủ vô chừng và có phần rẻ rúng.

Để có Lê Công Vinh bằng đường “chính ngạch”, phải bồi hoàn 18 tỷ đồng cho CLB Hà Nội. Nghe thông tin đó, một ông bầu ở đội bóng nọ “cao giọng” tuyên bố: “Có cho không Công Vinh, tôi cũng không nhận”. Nếu không hiểu tường tận, người ta sẽ có cảm giác giá trị của một cầu thủ vô chừng và có phần rẻ rúng.

Thực ra, phí bồi hoàn để giải phóng hợp đồng của Lê Công Vinh không phản ảnh giá trị của cầu thủ này. Đây chỉ là những ràng buộc nhằm hạn chế rủi ro pháp lý. Còn giá trị của Công Vinh như thế nào, chỉ có nơi sử dụng anh mới biết rõ. Cũng như trên thế giới, cách người ta đánh giá về bản hợp đồng của đội bóng hoàng gia Real Madrid với Zidane khác hẳn với David Beckham. Nói cách khác, giá trị của một cầu thủ không nằm ở số tiền mà anh ta được nhận mà ở chỗ những gì mà anh ta đem lại.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, xã hội có không ít bất bình về giá chuyển nhượng của cầu thủ. Ở đây, không phải vì số tiền mà vì khả năng đóng góp cho xã hội của các cầu thủ có phần hạn chế. Một đội bóng tốn mỗi năm cả trăm tỷ đồng mua cầu thủ như Navibank Sài Gòn nhưng không đạt một thành tích nào đặc biệt thì rõ ràng đấy là sự hoang phí trong cuộc sống vẫn còn khá chật vật nói chung của xã hội. Đấy là chưa nói, thay vì đem lại niềm vui cho người dân mỗi cuối tuần, bóng đá còn mang đến những gánh nặng không đáng có với những tranh cãi nhỏ nhặt, những nghi vấn tiêu cực và sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cầu thủ. Vì sao như vậy?

Ấy là vì người ta chưa bao giờ đặt mọi thứ vào đúng giá trị của nó. Với nhiều toan tính khác nhau, các ông chủ bóng đá sẵn sàng chi tiền để có những bản hợp đồng “bom tấn” cốt để khoe tên tuổi. Họ không quan tâm đến chuyện mua cầu thủ như vậy liệu có lợi gì cho CLB không mà chỉ muốn tạo vị thế “đại gia” cho mình, cho tên tuổi của doanh nghiệp mình. Họ không quan tâm đến chuyện giá trị của các bản hợp đồng ấy đơn giản vì nhờ sự nổi tiếng ấy, họ có thể hưởng được các ưu đãi về đất đai, cơ chế khi “cưu mang” cho đội bóng của địa phương. Không phải tất cả nhưng thực tế là nhiều năm trước đã có xu thế muốn được ưu đãi về đất đai, cứ tìm cách tài trợ cho CLB. Thế nên mới có chuyện, một ông bầu dám nhận “nuôi” đến 4 - 5 đội bóng ở các địa phương khác nhau bất chấp thực tế là bóng đá không hề đem lại lợi nhuận nào cả.

Khi người ta đã không nhìn bóng đá bằng đúng giá trị của một trò chơi, khi người ta chỉ mua cầu thủ bằng tên tuổi của cầu thủ ấy thay vì những đóng góp về tài năng, chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn những giá trị bao gồm cả văn hóa và đạo đức. Các cầu thủ bóng đá thực ra chỉ là một phần dễ thấy trong cơn “cuồng say” những giá trị ảo ở xã hội chúng ta ở thời điểm vài năm trước để bây giờ, mọi thứ lại trở nên rẻ rúng, mất giá trị nghiêm trọng như cách nói “có cho không cũng chẳng lấy” của ông bầu kia.

“Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, không đặt sự vật vào đúng giá trị của nó sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát và quay ngược lại, gây hại cho chính những người đam mê các giá trị ảo đó. Rộng hơn, không chỉ có bóng đá, nhiều lĩnh vực khác trong xã hội hiện tại đang vật vã trong sự nhập nhằng giữa thật và ảo. Một mạng xã hội dùng để gìn giữ và kết nối mối giao tiếp giữa người với người trở thành nơi thể hiện những tuyên ngôn, suy nghĩ không thể bày tỏ ở đời thật. Một ca sĩ thay vì tìm cách đưa tài năng của mình đi vào trái tim khán giả lại chỉ muốn được nổi tiếng bằng mọi cách để được nhiều người biết đến… Ở đây, cũng cần phải thấy rằng, chính người trong cuộc như cầu thủ, ca sĩ đôi khi cũng chỉ là nạn nhân của một xu hướng quen sống bằng những giá trị ảo để phục vụ như nhu cầu thật của mình. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục