LTS: U23 Việt Nam vô địch giải U23 Đông Nam Á lần thứ hai liên tiếp và thể hiện được khát vọng chiến thắng của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để khẳng định rằng, ở cả cấp độ tuyển trẻ lẫn đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam đang dẫn đầu khu vực, vì suy cho cùng, bóng đá trẻ vẫn làm theo kiểu thời vụ, chưa thực sự bài bản và có chiều sâu. Càng không thể nói rằng bóng đá Việt Nam đã tiệm cận với đẳng cấp châu lục, khi mà chiến lược đầu tư và phát triển bóng đá trẻ chưa đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa…
Càng làm, càng… đuối!
Có một nghịch lý là trước thời điểm năm 2001, các đội bóng trẻ của Đông Nam Á cũng có được một số thành tích nổi bật tại sân chơi châu lục, là tiền đề để AFF quyết định tổ chức các giải đấu trẻ nhằm tăng khả năng cọ xát. Nhưng không hiểu sao, càng có nhiều giải đấu thì thành tích của khu vực lại kém đi. Ví dụ như Thái Lan từng 1 lần vô địch và 1 lần á quân giải U17 (U16) châu Á vào năm 1996 và năm 1998, còn Việt Nam từng vào bán kết U16 châu Á năm 2000, nhưng kể từ sau năm 2001 đến nay, không có đội U17 Đông Nam Á nào vào đến bán kết nữa.
Ở giải vô địch U20 châu Á có tuổi đời hơn 60 năm thì thành tích nổi bật nhất của Đông Nam Á trong 2 thập niên qua chính là tấm vé dự World Cup của Việt Nam năm 2016 và Myanmar năm 2014. Riêng giải U23 châu Á mới tổ chức từ năm 2013 đến nay, đội Đông Nam Á để lại dấu ấn lớn nhất cũng là Việt Nam với ngôi á quân năm 2018.
Bóng đá trẻ của Đông Nam Á ngày càng tụt xa so với mặt bằng chung của châu lục và cũng tương đồng với sự thụt lùi về trình độ của các nền bóng đá trong khu vực. Quá trình sa sút này diễn ra suốt một thời gian dài, gần 3 thập niên, nên việc thay đổi không thể diễn ra một sớm một chiều.
Sự cạnh tranh sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ phát triển, chuyện thắng thua không phải là điều quan trọng. Tuy nhiên, tương tự với đội tuyển quốc gia, ở các giải đấu trẻ, vẫn chỉ là cuộc cạnh tranh nội bộ giữa 4 làng cầu Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Thực trạng này cho thấy bóng đá trẻ Đông Nam Á chưa có chiến lược phát triển mang tính đột phá nào. Như Indonesia, họ dồn hết niềm hy vọng cho HLV người Hàn Quốc Shin Tae-yong, giao cho ông này dẫn dắt từ U20 đến U23 và cả đội tuyển. Vậy mà thành công gần đây của Indonesia là theo kiểu “nuôi gà chọi” chứ chưa phải là thay đổi toàn diện.
HLV Thạch Bảo Khanh (CLB Viettel): Bóng đá trẻ cần thêm nhiều trận đấu
Bóng đá trẻ Việt Nam rõ ràng là đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Sau 5 năm dưới thời HLV Park Hang-seo, thì đến hiện nay, lứa trẻ của chúng ta đã là lứa mới hoàn toàn. Các “lò” từ Viettel, Hà Nội, HA.GL đã và đang tạo dựng được sự vững chắc cả chất lượng, thương hiệu. Song bấy nhiêu thôi thì chưa đủ!
Có thể nhận thấy rất rõ là hiện tại quỹ các trận đấu cho cầu thủ trẻ còn quá ít. Hàng năm, hệ thống các giải trẻ thực sự chưa đủ để giúp các em có thêm kinh nghiệm thực chiến. Ngoài những giải trong hệ thống quốc gia hiện nay, nếu có điều kiện thì VFF nên phối hợp với một số địa phương tổ chức thêm các giải trẻ theo khu vực, vừa tiết kiệm chi phí di chuyển và qua đó giúp các em có thêm quỹ trận đấu hàng năm. Chứ như hiện tại, những đội U17, U19 nếu bị loại từ vòng ngoài thì thực tế mỗi năm các em chỉ đá được 4-5 trận. Ít như thế thì khó mà tiến bộ được!
Việc tổ chức đội hình 2, hay gọi là đội B để đá song song với các đội tham dự V-League, đó cũng là phương án hay, nhưng sẽ rất tốn kém và sẽ có nhiều nơi không kham nổi. Bóng đá Việt Nam cần điều chỉnh lại hệ thống thi đấu các giải trẻ, tăng thêm cơ số trận đấu chính thức hàng năm cho họ thì trong tương lai gần, các cầu thủ trẻ mới phát triển nhanh, đồng thời tạo nên những thế hệ kế cận liên tục.
QUỐC CƯỜNG ghi
Đứng đầu nhưng chưa vui
Tính từ năm 2019 đến nay, bóng đá Việt Nam từng 2 lần vô địch SEA Games, 2 lần đứng đầu giải U23 khu vực, mà lại không thắng được giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) và cũng không còn thể hiện tốt ở các giải lứa tuổi U của châu Á. Thế nên, HLV Hoàng Anh Tuấn mới đánh giá chức vô địch U23 Đông Nam Á mới đây không đáng mừng bằng cách chúng ta chiến thắng với đội hình trẻ nhất giải.
Thực tế thì đội hình của HLV Hoàng Anh Tuấn không có cầu thủ nào chắc suất đá chính ở V-League. Ngay cả khi họ là nhà vô địch U23 Đông Nam Á, thì điều đó - chật vật kiếm suất đá chính ở V-League - cũng không thay đổi, bởi chiến thắng trước một đối thủ như Indonesia cũng không phải là dấu ấn quá đặc biệt để biến các cầu thủ trở thành ngôi sao như kỳ tích của lứa U23 giành ngôi á quân châu Á hồi năm 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc).
Có một điều mang tính khách quan đang tác động không mấy tích cực đến bóng đá trẻ Việt Nam, đó là hàng năm chúng ta phải đá các giải trẻ Đông Nam Á theo nghĩa vụ. Có khá nhiều trận đấu ít giá trị về chuyên môn, nhưng vẫn phải đá. Indonesia từng có ý tưởng xin gia nhập làng cầu Đông Á để được cọ xát với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng vì nguyên nhân này. Điều đó cũng buộc các nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải có những cách làm mới cho bóng đá trẻ trong bối cảnh ở trong nước thì thiếu sân chơi, bước ra thế giới thì cũng chỉ loanh quanh khu vực với các đối thủ quá quen thuộc. Môi trường như vậy không thể phát triển bóng đá trẻ được!
Chuyên nghiệp nhưng lại luôn… thất nghiệp
So với các nền bóng đá hàng đầu châu Á thì cách làm bóng đá trẻ của Việt Nam đang lỗi thời. Cầu thủ trẻ chủ yếu đến từ lò đào tạo, trung tâm bóng đá địa phương (hoặc ngành đầu tư) chứ không có thêm các nguồn mang tính sàng lọc rộng khắp khác như bóng đá học đường, các giải trẻ địa phương, tức là những cầu thủ đã có trải nghiệm thi đấu thực tế.
Thế nên mới có một nghịch lý là cầu thủ trẻ của Việt Nam đều được đánh giá “chuyên nghiệp”, tức là vào “lò” đào tạo từ năm 15 tuổi, chỉ ăn và tập đá bóng, tuy nhiên quãng thời gian quan trọng nhất từ 18-23 tuổi lại có rất ít thời gian thi đấu thực tế. Các giải U quốc gia thường được chia thành khu vực, tối đa chỉ chơi được 3 trận ở vòng loại, sau đó cũng chỉ thêm được 5 trận nếu lọt vào vòng chung kết. Như vậy, một cầu thủ 18-19 tuổi nhiều lắm cũng chơi chưa tới 10 trận chính thức mỗi năm, cho dù họ là những người chuyên “làm công việc đá bóng”.
Hiếm hoi lắm mới có một cầu thủ chuyên nghiệp đến từ nguồn bóng đá sinh viên, hoặc bóng đá phong trào. Như vậy, phần “chân đế” trong mô hình kim tự tháp của bóng đá Việt Nam đang rất nhỏ.
SONG VIỆT