Bóng đá TPHCM từng bước chuyển sang mô hình chuyên nghiệp

Mùa bóng 2023-2024 được xem là thành công với bóng đá TPHCM. Ở V-League, đội TPHCM về đích ở nhóm đầu; giải hạng nhì, 2 vé thăng hạng đều thuộc về đại diện của TPHCM là đội Trẻ TPHCM và Định Hướng Phú Nhuận. Đội futsal Thái Sơn Nam và đội nữ TPHCM I cùng cán mốc lần thứ 13 vô địch quốc gia. 

Ông Trần Anh Tú (ảnh), Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM,đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về quá trình chuyển sang mô hình chuyên nghiệp của bóng đá TPHCM.

P1e.jpg

Sẽ sớm thành lập doanh nghiệp để quản lý

PHÓNG VIÊN: Bóng đá nữ TPHCM tiếp tục khẳng định vị thế số 1 ở giải vô địch quốc gia (VĐQG), khi đang trong giai đoạn bổ sung lực lượng. Ông đánh giá gì về thành công này?

Ông TRẦN ANH TÚ: Trong vòng 10 năm, từ năm 2015 đến năm 2024, đội 9 lần giành vô địch và đều nằm trong 3 nhiệm kỳ từ năm 2012 đến nay của Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF). Đó là điều rất đáng tự hào của HFF, khi đã đóng góp không nhỏ trong thành tích này.

Quan trọng hơn cả là, để có được sự ổn định và thành tích bền vững như vậy, bóng đá TPHCM nhận được sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo Thành ủy TPHCM và UBND TPHCM, sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Sở VH-TT TPHCM.

TPHCM đang là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phát hiện, đào tạo nữ cầu thủ trẻ. Gần như là địa phương duy nhất ở phía Nam có được đội bóng đá nữ từ các tuyến, ông nghĩ sao về thuận lợi này?

CLB nữ TPHCM gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lực lượng cầu thủ trẻ để đào tạo. Nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo Trung tâm TDTT quận 1 cùng với việc TPHCM luôn đảm bảo chế độ cho các vận động viên trẻ, cơ sở vật chất cho việc đào tạo và sự hỗ trợ kịp thời của HFF nên việc đào tạo lực lượng trẻ luôn được quan tâm hết mức nhằm đảm bảo lực lượng kế cận.

Tất nhiên phải ghi nhận công lao rất lớn của lực lượng huấn luyện viên và hậu cần của CLB nữ TPHCM trong công tác đào tạo trẻ.

Quá trình phát hiện, đào tạo 1 cầu thủ nữ luôn khó khăn hơn so với bóng đá nam. HFF cùng cơ quan chủ quản đội nữ TPHCM có kế hoạch về lâu dài để giữ chân các cầu thủ sau “dòng chảy” tài năng những năm qua ra sao?

Trước việc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) yêu cầu chỉ có các CLB nữ được AFC cấp phép, mới được tham dự giải AFC Women’s Champion League, thì việc chuyển CLB nữ TPHCM sang mô hình chuyên nghiệp chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, các cầu thủ sẽ chuyển sang ký hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, giúp cầu thủ có thu nhập tốt hơn.

Đồng thời sẽ có những ràng buộc chặt chẽ hơn trong việc chuyển nhượng cầu thủ đối với CLB chủ quản của cầu thủ cũng như với cả CLB muốn nhận cầu thủ chuyển nhượng và ngay cả chính cầu thủ.

Trong giai đoạn chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, bóng đá nữ TPHCM sẽ thành lập công ty cổ phần. Tiến trình này đến nay như thế nào?

Hiện nay, Sở VH-TT TPHCM và HFF đang tính toán phương án lập doanh nghiệp mới hay tận dụng doanh nghiệp hiện có để thuận lợi cho việc chuyển đổi cũng như tổ chức bộ máy quản lý mà không làm xáo trộn hệ thống của bóng đá nữ thành phố, nhất là không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính cho CLB nữ.

Giữ vững “lá cờ đầu” của cả nước

HFF những năm qua gần như hoạt động hết công suất khi bao trùm từ công tác đào tạo, phát triển bóng đá nữ, futsal, bóng đá học đường. Ông đánh giá thế nào về việc này và có kỳ vọng sớm nhận được sự chia sẻ?

Được Sở VH-TT TPHCM và Trung tâm TDTT Thống Nhất tạo điều kiện hết sức thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như nhân sự; đồng thời với sự định hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với tình hình bóng đá TPHCM của Ban Chấp hành HFF, cho nên chỉ với một bộ máy hành chính hết sức tinh gọn nhưng khối lượng hoạt động của HFF hết sức lớn và hiệu quả.

HFF đã hỗ trợ thiết thực và gắn bó chặt chẽ với bóng đá nữ và futsal, giúp cho hai bộ môn này luôn là lá cờ đầu cả nước trong những năm gần đây và chắc chắn vẫn sẽ luôn đi đầu trong những năm tới.

Ngoài ra, HFF đã có những đóng góp nhất định, giúp cho bóng đá chuyên nghiệp thành phố ngày càng khởi sắc.

P6b.jpg
Bóng đá nữ TPHCM thành công trong lộ trình trẻ hóa dần lực lượng từ những mùa bóng vừa qua. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ở môn futsal, Thái Sơn Nam TPHCM gần như “vô đối” ở trong nước, từ chất lượng ở đội 1 cho đến các tuyến đào tạo. Ông đánh giá thế nào về thành công hiện nay cũng những kế hoạch cho tương lai?

Với sự phát triển chuyên nghiệp và bài bản, hợp tác có hiệu quả với chuyên gia từ những cường quốc futsal thế giới, việc Thái Sơn Nam thành công là một kết quả lôgíc.

Bên cạnh đó, Thái Sơn Nam phải có kế hoạch nâng cao hơn nữa về chất lượng để giúp đội tuyển ngày càng mạnh, luôn trong tốp đầu của khu vực và châu lục.

Từ năm 2023, giải VĐQG đã thành công khi chuyển sang mô hình sân nhà - sân khách, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 8 CLB đủ khả năng tài chính và lực lượng tham dự giải. Như vậy còn quá ít. Trong những năm tới, giải VĐQG futsal cố gắng tăng thêm số lượng đội đủ khả năng tham dự.

Từ mô hình thành công của Thái Sơn Nam, hy vọng sẽ có nhiều CLB futsal hình thành và phát triển, để giúp cho giải VĐQG trở thành một giải chuyên nghiệp.

Bên cạnh sự ổn định của bóng đá nữ, futsal thì bóng đá nam của TPHCM cũng đang có những tín hiệu tích cực. Mục tiêu sân Thống Nhất sáng đèn vào cuối tuần ở V-League lẫn giải hạng nhất đã thành hiện thực. Sự trở lại này liệu sẽ… lợi hại hơn 10 năm trước?

Mùa giải 2024-2025, TPHCM sẽ có 2 CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, gợi lại cho chúng ta hình ảnh bóng đá thành phố thời bao cấp cũng như cách đây hơn chục năm, khi luôn có 3-4 đội bóng đá tham dự giải vô địch toàn quốc.

Tuy nhiên, việc các CLB có giữ được sự bền vững hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của các CLB cũng như định hướng phát triển của CLB.

HFF sẽ cố gắng hỗ trợ hết sức cho các CLB với khả năng hiện có của mình, và luôn mong muốn các CLB sẽ phát triển bền vững, chất lượng, giúp cho bóng đá thành phố sẽ trở lại là một trong những trung tâm bóng đá lớn của cả nước.

Tin cùng chuyên mục