Không thiếu sự đầu tư
Trong 20 năm qua, bóng đá TPHCM góp mặt tại V-League với tổng cộng 6 đội bóng khác nhau, lần lượt là Cảng Sài Gòn (sau là Thép - Cảng), Công an TPHCM (Ngân hàng Đông Á), rồi Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn và bây giờ là 2 đội CLB TPHCM và CLB Sài Gòn. 6 đội bóng là con số mà cả vùng ĐBSCL hoặc miền Trung - Tây Nguyên có được trong cùng một giai đoạn. Làng cầu Hà Nội lừng lẫy như vậy, trong 20 năm qua cũng chỉ có 4 cái tên đá V-League, bao gồm Thể Công vốn có tính đại diện cho một ngành. Sự xuất hiện liên tục của các đội bóng đồng nghĩa bóng đá TPHCM chưa bao giờ thiếu tiền đầu tư cho bóng đá.
Hệ thống sân bãi của đại đô thị TPHCM có thể cùng lúc tổ chức 2 trận đấu V-League và 3 trận ở giải hạng nhất với tiêu chuẩn tốt nhất. Thậm chí đã có thời điểm, TPHCM có đến... 7 đội bóng tham gia từ V-League đến hạng nhì, nghĩa là tiêu tốn gần 300 tỷ đồng chỉ cho một mùa giải - nguồn lực tài chính trong mơ đối với bất cứ địa phương nào trong cả nước. Niềm đam mê bóng đá của người dân TPHCM cũng không hề nguội lạnh.
Qua thống kê các mùa giải mà thành phố có 2 đội đá V-League cùng lúc cho thấy, mỗi lượt trận, tổng lượng khán giả đến sân xem 2 đội cũng từ 10.000 người trở lên, cao hơn rất nhiều so với khán giả đến sân của SLNA, hay ở Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng (từ 5.000-7.000 người/trận).
Bề dày truyền thống, nguồn lực tài chính và tình yêu bóng đá của TPHCM thực sự là 3 lợi thế luôn có sẵn mà không phải ở đâu cũng có. Nhưng thật kỳ lạ, dù chẳng thiếu thứ gì nhưng suốt 20 năm qua, không có chức vô địch nào về lại nơi đây, trong khi cùng thời điểm đó làng bóng đá Hà Nội đã có đến 6 danh hiệu.
Thực trạng ngổn ngang
Trong danh sách đội tuyển quốc gia vừa được HLV Park Hang-seo tập trung đá giao hữu trận đầu tiên trong 5 năm qua trên sân Thống Nhất, chỉ có đúng 1 cầu thủ thuộc biên chế của bóng đá TPHCM là Trần Đình Khương (CLB TPHCM). Còn ở danh sách U23 Việt Nam dự giải châu Á hồi tháng 6, hoàn toàn không có cầu thủ nào đến từ thành phố. Người ta hay nói, do không có nguồn lực tại chỗ nên các đội bóng như CLB TPHCM hay CLB Sài Gòn phải “vung tiền” mua cầu thủ về đá lấy thành tích. Tuy nhiên, các con số từ thực tế đã chứng minh, ngay cả khi phải nhờ cậy đến các cầu thủ khắp nơi, lực lượng các đội của TPHCM cũng không mạnh.
Ngoài 2 đội đang chơi tại V-League, bóng đá thành phố giờ chỉ còn đúng một đội nữa (đội trẻ TPHCM) đang chơi tại giải hạng nhì. Như vậy có thể thấy, một khoảng trống mênh mông ở ngay sau các đội đang đá V-League và nếu trong mùa này một trong 2 đội của TPHCM sẩy chân phải xuống hạng thì gần như bóng đá TPHCM quay lại thời điểm cách đây 10 năm, tức là phải làm lại khi trong tay không có gì.
Đây là hệ quả của một giai đoạn rối về chiến lược phát triển. Trước đó, giai đoạn 2000-2007, các đội của TPHCM dù đá V-League hay hạng nhất thì đều có gốc gác thành phố. Song về sau, hầu hết các đội bóng rơi vào hoàn cảnh phải “vay mượn”. Navibank Sài Gòn có gốc từ đội Quân khu 4, Sài Gòn Xuân Thành là đội Hà Tĩnh chuyển vào, còn xuất phát điểm của CLB Sài Gòn FC vốn là đội Hà Nội B, sau khi thăng hạng năm 2016 thì chuyển vào TPHCM và đổi tên. Các ông chủ hiện tại của CLB Sài Gòn cũng chỉ mới sở hữu đội từ năm 2020 đến nay.
CLB TPHCM hiện nay vốn là tuyến trẻ do Liên đoàn Bóng đá TPHCM xây dựng từ hơn chục năm trước, tuần tự phát triển từ trẻ lên hạng nhất rồi dự V-League năm 2016. Nhưng thật đáng tiếc, khi lên đá V-League, đội bóng đã không còn giữ được gì của chính mình. Từ vị trí chủ tịch chuyên môn đến HLV và cả cầu thủ đều được... thuê từ nơi khác về. Các thay đổi tưởng là toàn diện đó rốt cục lại dẫn đến tình hình sa sút hiện nay, khi CLB TPHCM vẫn chỉ là một đội bóng hạng trung bình sau mùa giải 2019 thăng hoa với ngôi á quân.
1. Bắt đầu từ năm 2009 khi mang tên CLB TPHCM, đội mới duy nhất 1 lần vô địch giải hạng nhất (năm 2016). Thứ hạng cao nhất của đội bóng ở V-League là á quân vào năm 2019. CLB TPHCM có 2 lần xếp hạng 3 tại Cúp quốc gia (2019 và 2020). Trong khi đó, CLB Sài Gòn cũng có 1 lần vô địch giải hạng nhất (năm 2015), xếp hạng 3 tại V-League 2020. PHÚC NGUYỄN |