Một cầu thủ nữ tâm sự thật lòng: “Xin các anh đừng hỏi và đừng viết thêm về hoàn cảnh cũng như thu nhập của cầu thủ nữ tụi em. Mấy anh có viết nhiều thì cũng chẳng thay đổi được gì mà xã hội lại nhìn chúng em bằng sự thương hại mà thôi”.
Cay đắng vì “phận bạc”
Cầu thủ số 1 Đông Nam Á, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh nói với chúng tôi: “Tôi có một cô em gái và không bao giờ khuyên nó đi đá bóng. Nhưng riêng với mình, nếu còn sức lực, đến 30 tuổi tôi vẫn sẽ ra sân thi đấu. Đời cầu thủ nữ bèo bọt nhưng tôi không hối tiếc khi đã chọn bóng đá”.
Gần như không có cầu thủ nữ nào lại chọn bóng đá làm nghề. Đa số đều chơi bóng từ bé, ở lứa tuổi mà tại các vùng quê, con trai con gái đều ra đồng đá bóng như nhau, họ được các HLV tuyển chọn đưa lên tập trung dài hạn rồi theo nghề lúc nào không biết.
Như trường hợp của “hoa khôi” Đỗ Thị Ngọc Châm. Học giỏi, dáng vóc chuẩn và có gương mặt xinh đẹp, gia đình ai cũng nghĩ Ngọc Châm sẽ làm cô giáo tại quê nhà Gia Lâm – Hà Nội một ngày nào đó. Vậy mà chỉ vì theo học các lớp bóng đá năng khiếu, cô gái thanh mảnh ấy lại chọn bóng đá và trở thành tiền đạo số 1 Việt Nam giai đoạn 2005 - 2009. Sự chọn lựa của Ngọc Châm là nỗi phiền muộn của gia đình và cả với chính cô. 3 lần chấn thương tưởng phải bỏ nghề và cả 3 lần đều khiến Ngọc Châm mất cơ hội dự SEA Games.
Thậm chí, chính bóng đá đã khiến Ngọc Châm lỡ làng một một cuộc tình đẹp. Sự nghiệp Quả bóng vàng Việt Nam 2008 ấy chưa từng được nhận HCV SEA Games, vậy mà khi nói về nghề, Ngọc Châm vẫn đầy đam mê. Lấy chồng xong, Ngọc Châm học làm HLV và hiện đang tham gia đào tạo bóng đá trẻ tại Trung tâm bóng đá Viettel.
Không có xuất phát điểm vì đam mê như Ngọc Châm, nhiều cầu thủ nữ đến với bóng đá vì mưu sinh. Những ngày chứng kiến cha phải đạp xe ba gác thu mua phế liệu đã khiến Trần Thị Kim Hồng quyết chí đá bóng để đỡ đần gia đình. Chẳng biết có phụ giúp được gì không nhưng với 2 ca chấn thương dây chằng nghiêm trọng, Kim Hồng từng đối diện với nguy cơ tàn tật nếu không có những nhà hảo tâm góp tiền cho cô sang Singapore phẫu thuật.
Kim Hồng cho biết: “Với em thế còn may mắn vì là tuyển thủ quốc gia, được liên đoàn quan tâm và người khác giúp đỡ. Những người khác, gặp trường hợp như em chỉ còn cách giải nghệ sớm về ăn bám gia đình”.
Không hối tiếc
Khác hẳn với bóng đá nam, vốn đang gây thất vọng cho người hâm mộ, ở bóng đá nữ, khát khao cống hiến là thứ duy nhất giữ họ lại với bóng đá.
Tiền vệ đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Thị Thương năm nay đã gần 30 tuổi, thổ lộ với chúng tôi rằng chỉ cần được cùng đội tuyển đá VCK World Cup 2015 thì cô đã mãn nguyện với sự lựa chọn của mình: “Tôi không dám nghĩ đến ngày đó, chỉ biết mình sẽ cùng đồng đội làm tất cả để được một ngày đá bóng ở World Cup. Đấy là may mắn của thế hệ chúng tôi. Những chị đi trước tài năng hơn, khó khăn hơn mà cũng có lần nào được đến gần với giấc mơ này đâu”.
Những nỗi khó khăn của nữ cầu thủ đã được nói quá nhiều. Họ đã phải hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho bóng đá và hầu như không nhận được gì. Một vài người may mắn thì tiếp tục đăng ký học tiếp để làm HLV, đa số chỉ làm việc tay chân, mua bán tại nhà sau khi giải nghệ. Ước mơ lớn nhất của họ lại là điều rất bình thường với bao người phụ nữ khác: một gia đình nhỏ.
Nữ cầu thủ có số phận khác hẳn các VĐV nữ khác, khi đã lập gia đình thì gần như phải bỏ nghề. Ngoài trường hợp đặc biệt như tiền đạo Nguyễn Thị Nga (Hà Nội), sinh con xong vẫn còn đá bóng thì các cầu thủ khác thậm chí không có người yêu khi còn thi đấu.
Cho dù xã hội đã ít khắt khe với bóng đá nữ nhưng trên thực tế, công việc tập luyện nặng nhọc cùng môi trường thi đấu khắc nghiệt của môn bóng đá đã lấy mất những điều cơ bản nhất của những cô gái đang ở tuổi yêu đương. Nói như họ thì ngay cả tiền mua kem chống nắng để tránh đen da còn không đủ, làm sao gặp được ai thương mình.
Nhưng không ai kêu ca về chuyện này. Thậm chí, khi nói về vụ lùm xùm chia tiền thưởng sau SEA Games 27 vừa qua, cựu tiền đạo Phùng Thị Minh Nguyệt còn cho rằng báo chí không nên “nói quá” sự việc, bởi từ lâu bóng đá nữ đã chịu thiệt thòi. Chịu thêm một chút nữa, có sao đâu!
YẾN PHƯƠNG - LONG HÀ
- Kỳ 1: Gặm bánh mì, mơ World Cup