Bóng đá ĐBSCL từng nhiều lần chứng kiến màn “tử chiến” giữa các đội cùng khu vực trong cuộc đua giành suất trụ hạng. Từ cuộc đối đầu giữa ĐTLA - CS Đồng Tháp trong quá khứ rồi đến CS Đồng Tháp - K.Kiên Giang, K.Kiên Giang - ĐTLA và nay là ĐTLA - HV An Giang.
Mọi chuyện đã ập đến quá nhanh với bóng đá khu vực này và dù giải chưa hết lượt đi, nhưng xem ra khó thoát khỏi cảnh “huynh đệ tương tàn” ở mùa này…
Dĩ nhiên trong cuộc đua này, HV An Giang đôi chút lép vế so với cựu binh như Gạch, từ điểm số, lực lượng cho đến kinh nghiệm. Cái “ưu” của cả hai là đã xác định việc trụ hạng thì tốt, lỡ có xuống hạng cũng chẳng sao.
Điều đó lý giải vì sao khu kỹ thuật của HV An Giang khá yên ắng trong 10 vòng vừa qua, bởi họ đã xác định hướng đi từ đầu mùa. Nhẹ nhàng cho giảm áp lực. Tương tự như vậy là ở ĐTLA, việc thay đổi quyền lực chỉ giới hạn trong vòng nội bộ và khi ra sân, HLV trưởng vẫn là Ngô Quang Sang. Nhưng kỳ thực, vị GĐKT người Serbia đang ngày càng được giao nhiều việc về chuyên môn.
Ai cũng hiểu, vấn đề chính lúc này là tâm lý, tinh thần thi đấu chứ có thay thế bằng một ông thầy “5 sao” cũng không giải quyết được gì. Để thay đổi cục diện một cách chóng vánh, ngoài việc thay tướng còn cả chuyện đổ tiền tỷ để mua sắm lực lượng - điều đó không thể với tình hình V-League hiện nay. Thôi thì đành chờ đến trận “chung kết ngược”… lượt đi vào ngày 20-4 trên sân Long An giữa ĐTLA và HV An Giang.
Điều thú vị ở lịch thi đấu mùa bóng năm nay là thứ tự của các trận lượt về sẽ tính từ cuối lượt đi. Nghĩa là sau trận Gạch gặp HV An Giang trên sân Long An ở lượt 13 thì cả hai sẽ tái ngộ tại sân Long Xuyên ở lượt 14. Thế nên, chỉ trong thời gian ngắn, giới hâm mộ bóng đá ĐBSCL sẽ chứng kiến đến 2 trận “chung kết ngược” để chọn ra đại diện xứng đáng nhất ở lại sân chơi này mùa bóng sang năm.
Ở một cuộc đấu tay đôi khác tại giải hạng Nhất giữa CS Đồng Tháp và XSKT Cần Thơ, đáng khen cho thầy trò HLV Phạm Công Lộc bao nhiêu thì đội bóng Tây Đô lại tiếp tục… xìu bấy nhiêu. Hẳn nhiên là điểm số hiện nay chưa đến mức nguy hiểm cho Cần Thơ bị trụ hạng, nhưng cách trình diễn của họ chưa thuyết phục người xem so với dàn cầu thủ trên sân.
Nhưng, nghĩ đi thì cũng nghĩ lại. Khi chiêu mộ lực lượng, XSKT Cần Thơ đã chú trọng nhiều vào các ngôi sao nhưng quên đi rằng tuổi tác và phong độ của họ đã không còn ở đỉnh như trước. Hàng phòng ngự là Thế Anh, Huy Hoàng, Văn Trương hẳn là một thời vang bóng nhưng nếu gặp những đội trẻ - khỏe thì sẽ không chịu nổi.
Khổ cho XSKT Cần Thơ khi bản thân họ cũng như K.Kiên Giang, không có nguồn lực tại chỗ mà cứ mỗi năm mỗi ký hợp đồng mới. Và cứ thế, cứ vào đầu mùa bóng thì công việc của các BHL rất nặng gánh.
Trong khi đó ở Cao Lãnh thì lại khác, và sự tương phản chính là lượng khán giả đến sân rất đông mỗi khi đội bóng xứ tràm chim đá sân nhà. Đó là câu trả lời cho yếu tố màu cờ sắc áo và mạnh dạn sử dụng cầu thủ nội tỉnh, mà đó cũng là “đặc sản” của CS Đồng Tháp bấy lâu.
Quốc Cường