1. Đội Hùng Vương An Giang có “bỏ giải” hay không vẫn chưa chính thức. Chính xác hơn, đây chỉ là phát biểu của một vài cá nhân đang điều hành đội bóng chứ không phải quan điểm của lãnh đạo tỉnh An Giang cũng như nhà tài trợ. Tạm thời, chưa có bất kỳ chuyện gì xảy ra ở đội bóng miền Tây đang đứng chót bảng V-League này.
Nhưng câu hỏi đặt ra: tại sao người ta lại dễ dàng tuyên bố bỏ giải, một hình thức phản ứng tiêu cực nhất trong bất kỳ cuộc chơi nào. Nguyên nhân nằm ở luật chơi. Một lời tuyên bố bỏ giải chắc chắn là làm tổn thương đến giải đấu, ảnh hưởng đến nhiều CLB khác, thế nhưng không ai bị trừng phạt cả.
Với xu hướng “ném chuột sợ vỡ bình”, đa phần trong các trường hợp bỏ giải, thay vì ra án phạt, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam lại hay xuống nước, hòa hoãn, mong sao những tuyên bố nói trên không thành sự thật để giải có thể không bị thay đổi. Người nói không sao, người bị tổn thương lại sợ thiệt hại, chuyện tréo ngoe ấy khiến cho phong trào bỏ giải trở thành một “căn bệnh” có khả năng lây lan.
2. Nếu ai đã xem trận đấu Chelsea - Sunderland tại giải ngoại hạng Anh hồi thứ bảy tuần trước sẽ thấy, dù tức giận trọng tài nhưng HLV Mourinho đủ khôn ngoan để né một án phạt trực tiếp cho mình. Ông ta “chơi chiêu”, dùng trợ lý của mình phản ứng như thể muốn “ăn thua đủ” với trọng tài, còn cá nhân ông thì lại “khen đểu” trọng tài ở buổi họp báo. Mourinho phải vắt óc nghĩ ra những điều đó đơn giản vì bất kỳ sự phê phán nào dành cho trọng tài cũng đều bị phạt rất nặng.
Đấy chính là sự nghiêm minh của luật chơi mà bất kỳ ai tham gia phải tuân thủ triệt để. Nhìn lại bóng đá Việt Nam, câu chuyện bỏ giải thực ra chỉ là “đỉnh cao” của thói quen nghiệp dư, coi thường luật chơi trên sân cỏ Việt Nam mà thôi.
Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen với việc các HLV đứng ngay trên sân phê phán trọng tài với lời lẽ gay gắt. Những lời nói đó được đăng tải trên báo, bằng chứng rành rành nhưng ông ta vẫn vô sự. Rồi chuyện cả đội kéo nhau ra khỏi sân để phản ứng trọng tài, năn nỉ, vận động mãi mới chịu vào đá để “bảo đảm sự thành công của trận đấu”, vẫn vô sự. Còn chuyện cầu thủ, HLV dùng lời lẽ miệt thị, xúc phạm trọng tài ngay trên sân bóng là chuyện bình thường.
Mỗi mùa giải, thường có khoảng 40 thông báo kỷ luật được ban hành, nhưng hầu như không có hình thức nào để xử các biểu hiện thiếu tôn trọng luật chơi nói trên. Dần dà, thói quen nghiệp dư ấy phát triển thành một “căn bệnh” khiến người ta muốn nói gì thì nói, chẳng cần biết hậu quả của các phát biểu của mình.
Tóm lại, ai cũng có lý do để bỏ giải, để phản ứng trọng tài nhưng nếu luật chơi được thực hiện nghiêm minh thì trước khi người ta làm điều đó, cũng phải biết suy nghĩ thiệt hơn chứ không phải thích làm gì thì làm.
VIỆT QUANG