Bình Dương rất… dễ thương

Câu khẩu hiệu đó trên khán đài sân Gò Đậu hôm đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với Myanmar đúng là… dễ thương thiệt! Đội bóng của ông Miura có màn ra mắt mãn nhãn người xem và các CĐV trên khán đài có một ngày hội thực sự.

Câu khẩu hiệu đó trên khán đài sân Gò Đậu hôm đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với Myanmar đúng là… dễ thương thiệt! Đội bóng của ông Miura có màn ra mắt mãn nhãn người xem và các CĐV trên khán đài có một ngày hội thực sự.

So sánh thì khập khiễng nhưng nếu trận đấu đó tổ chức ở sân Mỹ Đình như thông lệ hoặc đưa đến sân Thống Nhất thì không biết ra sao? Khán giả có lẽ sẽ đến nhưng đông vui và “dễ thương” như Bình Dương thì khó.

Biết là thế nhưng nếu không nhầm, đây có lẽ là trận đá giao hữu quốc tế chính thức của đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại sân địa phương, chứ không phải là sân vận động quốc gia. Không ai quy định đội tuyển Việt Nam phải đá ở sân Mỹ Đình cả nhưng… theo thói quen thì cứ vẫn phải vậy, trừ khi các sân Thống Nhất, Bình Dương hay Chi Lăng có tổ chức một giải quốc tế nào đó rồi mời đội tuyển tham dự thì may ra…

Trên thế giới, việc đá sân quốc gia chính thức nay đã không còn. Các đội tuyển đá giao hữu và cả đá giải theo kiểu vòng quanh đất nước để tiếp cận với khán giả của mình. Năm 2013, Italia đá trên 7 địa phương khác nhau, Đức đá ở 5 thành phố, Tây Ban Nha trên 4 thành phố…

Trong khi đó, thì từ năm 2008 đến nay, sân Bình Dương chỉ mới là lần đầu tiên được chọn để đội tuyển quốc gia thi đấu ngoài Hà Nội và TPHCM, không kể 2 trận đá tại Hải Phòng và Vinh năm 2010 nhằm mục đích từ thiện cũng như 1 trận đấu tại sân Thiên Trường (Nam Định) tại vòng loại Olympic hồi năm 2008.

Tại World Cup lần này, không phải tự nhiên mà Brazil bố trí đến 12 địa điểm thi đấu thay vì chỉ cần 8 điểm như qui định. Làm như vậy là để đưa bóng đá đỉnh cao đến gần với người hâm mộ. Ai cũng biết, phải thích xem bóng đá đỉnh cao thì mới muốn chơi bóng đá phong trào, được xem đội tuyển quốc gia đá thì mới cảm thấy yêu thương nhiều hơn.

Ngoài ra, một sân bóng đạt tiêu chuẩn quốc tế thì đương nhiên là sân vận động quốc gia chứ không cứ phải nằm tại thủ đô. Người hâm mộ tại Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng… có quyền được xem trực tiếp đội tuyển thi đấu như dân Hà Nội, TPHCM. Đấy là chưa kể, công tác quảng cáo, tiếp thị lại cần được mở rộng không gian tiếp xúc với khách hàng chứ không nên bó hẹp tại một nơi mà khán giả có khả năng đến sân không nhiều.

Thế giới người ta thay đổi chóng mặt, riêng tại Việt Nam, mỗi năm có vài ba trận giao hữu và cũng chỉ liên quan đến 1-2 sân bóng thì làm sao phát triển được?

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục