Đầu tiên, cần phải thừa nhận việc trọng tài “bẻ còi” không phải là chuyện gì hiếm xảy ra, nhất là khi công nghệ VAR bắt đầu can thiệp vào diễn biến sân cỏ. “Bẻ còi” là từ để chỉ việc thay đổi quyết định của trọng tài trong các tình huống mà trọng tài nhận thấy cái sai của mình thông qua sự giúp đỡ của người khác. Nhưng phần lớn việc “bẻ còi” này được xem là hợp lý khi mà bóng chưa trở vào cuộc. Nghĩa là những thay đổi của trọng tài diễn ra ở thời điểm mà ông ta vẫn có toàn quyền theo luật.
World Cup 2018 chứng kiến 1 tình huống “bẻ còi” đáng chú ý liên quan đến pha giả vờ té ngã kiếm phạt đền của siêu sao Neymar. Dù gây chú ý nhưng đó cũng là điều bình thường.
Pha “bẻ còi” thuộc hàng “kinh điển” của bóng đá thế giới phải kể đến trường hợp của trọng tài Winkman trong trận đấu giữa Mainz và Freiburg ở giải Bundesliga (Đức) mùa bóng vừa qua. Sau khi nổi còi kết thúc hiệp 1, các cầu thủ bắt đầu đi vào phòng thay đồ, thì trọng tài Winkman đã triệu hồi họ trở lại sân để đá 1 quả phạt đền được phát hiện muộn nhờ VAR. Như vậy, tỷ số của trận đấu đã bị thay đổi dù trận đấu đã chuyển sang diễn biến mới.
Tại Việt Nam, không thiếu các trường hợp “bẻ còi”, đáng chú ý nhất là lần trọng tài FIFA Võ Minh Trí thay đổi toàn bộ quyết định của mình trong một tình huống ở trận đấu Thanh Hóa - Hải Phòng thuộc vòng 9 V-League 2012. Ông Trí đã truất quyền thi đấu 1 cầu thủ Hải Phòng và cho Thanh Hóa hưởng phạt đền nhưng sau khi biết trợ lý trọng tài đã căng cờ việt vị, ông Trí “xóa án” đưa trận đấu trở lại bình thường. Tình huống này được nhiều tờ báo điện tử quốc tế ghi nhận vì đẳng cấp FIFA của ông Trí.
Thế nhưng, các trường hợp hy hữu nói trên cũng không thể so sánh với cú “bẻ còi” kinh điển của ông Trần Văn Lập. Trọng tài này quên truất quyền thi đấu của 1 cầu thủ Bình Dương, sau đó chừng 1 phút, đội bóng này có bàn thắng. Hai tình huống này không liên quan gì đến nhau bởi cầu thủ đáng lẽ ra bị đuổi không phải là người ghi bàn. Sự có mặt của anh ta chưa hẳn đã tác động đến kết quả của trận đấu bởi vì 1 đội bóng bị mất người vẫn có thể ghi bàn là hoàn toàn bình thường.
Tính “kinh điển” còn nằm ở chỗ: bóng đang lăn trên sân và kết quả đã được công nhận, không liên quan gì đến tình huống mắc sai lầm của trọng tài. Nói đúng hơn, đó là một tình huống khác, và quyết định của trọng tài Trần Văn Lập đã thay đổi kết quả của trận đấu.
Luật quy định: dù trọng tài có sai thì kết quả cũng không thể thay đổi. Đằng này, trọng tài đã biến cái sai này thành cái sai khác, nghiêm trọng hơn, chẳng khác gì tự mình định đoạt kết quả của trận đấu. Được biết, năm ngoái trọng tài Trần Văn Lập cũng từng “bẻ còi” ở V-League khiến đội Long An xuống hạng.