Trước hết nhắc đôi nét về quá trình thi đấu của làng cầu Đông Nam Á ở giải vô địch châu lục. Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup) ra đời từ năm 1956 với vòng chung kết chỉ có 4 đội thi đấu vòng tròn một lượt. Đại diện của Đông Nam Á duy nhất góp mặt tại kỳ giải đầu tiên chính là đội tuyển miền Nam Việt Nam. Tính đến nay, thành tích tốt nhất của Đông Nam Á chính là ngôi á quân của đội tuyển Myanmar (khi đó mang tên Miến Điện - Burma) tại kỳ giải năm 1968.
Kể từ đó đến nay, những gì tốt nhất mà bóng đá Đông Nam Á có được đó chính là 2 lần vào tứ kết của đội tuyển Việt Nam. Năm 2007, trong 4 quốc gia đăng cai thì Việt Nam là đội duy nhất vượt qua vòng bảng để chơi tứ kết trước khi thua Iraq, đội sau đó lên ngôi vô địch. Đến năm 2019, Thái Lan và Việt Nam cùng vào vòng 16 đội nhưng cũng chỉ Việt Nam vào tứ kết trước khi để thua Nhật Bản, đội sau đó trở thành á quân của giải đấu. Điều thú vị là Việt Nam chỉ dự Asian Cup đúng 2 lần đó, sau ngày thống nhất đất nước.
Chút sơ lược về lịch sử để thấy Asian Cup vẫn là một đấu trường “trong tầm tay mà ngoài tầm với” đối với bóng đá Đông Nam Á. Những khoảng cách về đẳng cấp, trình độ cũng như cơ hội gần giống như vòng loại cuối cùng của các kỳ World Cup, tức chỉ dừng ở mức độ đủ chất lượng để tranh tài nhưng vẫn còn xa so với nhóm dẫn đầu châu lục. Chính Asian Cup là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất những điểm yếu không thể khắc phục của bóng đá Đông Nam Á về thể chất, tư duy chiến thuật cũng như đẳng cấp.
Dù trong một vài trận đấu cụ thể nào đó bóng đá khu vực vẫn có những khoảnh khắc tự hào, nhưng khi các anh tài châu Á hội tụ với lực lượng tốt nhất để tranh đua danh hiệu thì sự chênh lệch trình độ thể hiện ra ngay. Tiêu biểu như năm 2007, dù đang ở thời cực thịnh của “thế hệ vàng” của những tên tuổi như Kiatisak, Nirut, Winothai, Thonglao… thống trị khu vực nhưng Thái Lan vẫn không thể vượt qua được vòng bảng khi tổ chức ngay trên sân nhà.
Nhưng với việc có đến 4 đội dự giải, bóng đá Đông Nam Á cũng đã cho thấy dấu hiệu của sự trỗi dậy và khao khát vươn tầm. Cả 4 đội dự giải lần này đều sử dụng HLV nước ngoài, đều là “hàng hiệu” với 2 người từng cầm quân ở World Cup (HLV Shin Tae-yong của Indonesia và HLV Troussier - Việt Nam), 2 người còn lại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Bóng đá Indonesia đã đầu tư “khủng” cho lứa cầu thủ dự Asian Cup lần này với hơn 4 năm được “nhào nặn” bởi HLV Shin Tae-yong, trong khi Thái Lan sẵn sàng sa thải “công thần” từng thắng 2 danh hiệu AFF Cup là A.Polking để mời một người có đẳng cấp cao hơn đến từ Nhật Bản.
Riêng với đội tuyển Việt Nam, nếu các năm 2007, 2019 chúng ta đến Asian Cup với tâm thế thoải mái và tạo ra được những cơn địa chấn thì kỳ Asian Cup này, dù không đặt nặng thành tích, với cá nhân HLV Troussier cũng là một phép thử cho những gì mà ông có thể mang đến cho bóng đá Việt Nam. Trước mắt ông Troussier là cột mốc tứ kết của những người tiền nhiệm, sau lưng ông là một tập thể đang trong tiến trình thay đổi cả về con người cũng như cách tiếp cận các trận đấu đỉnh cao. Cá nhân HLV Troussier cũng chịu áp lực riêng về danh tiếng khi ông được xem như một “tượng đài” Asian Cup với chức vô địch năm 2000 cùng Nhật Bản.