LTS: Có vẻ như “cuộc chiến truyền hình” đã đi dần đến những nút thắt cuối cùng khi AVG và VPF ngồi lại với nhau. Chúng tôi vẫn cho rằng, đây là một “cuộc chiến” chứ không chỉ là sự tranh chấp về quyền sở hữu bản quyền truyền hình. Và đã là “cuộc chiến”, phải có người thắng, kẻ thua. Ai? Bằng các thông tin được tìm hiểu riêng, SGGP Thể thao sẽ tìm câu trả lời thông qua chuyên đề này.
Trong 3 phía tham gia “cuộc chiến”, chỉ có VFF là không có động cơ gì. Họ vừa là “nạn nhân”, vừa là “nguồn cơn” của “cuộc chiến”. Và muốn hiểu rõ hơn về sự thành bại, việc phân tích nguyên nhân là cách tốt nhất để biết ai thắng, ai thua.
VPF và những khoản "phí truyền hình"
Nói VPF thì rộng, ở đây cũng nên gói gọn ở các CLB do doanh nghiệp quản lý mà tiêu biểu nhất chính là những ông bầu đang điều hành VPF. Bầu Kiên đã từng lý giải việc tại sao VPF lại cho bản quyền truyền hình (BQTH) là vấn đề tiên quyết bắt buộc họ phải tranh đấu đến cùng. Tại sao ông lại nói như vậy?
Trước khi có hợp đồng VFF-AVG, để được truyền hình trực tiếp, các CLB đều phải chi tiền cho truyền hình. Tất nhiên, khoản chi này không được công bố chính thức nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, con số không hề nhỏ chút nào nếu như đấy là những lần truyền hình trực tiếp (THTT) được “book lịch” sẵn.
Trong hồ sơ vận động tài trợ, quảng cáo của các CLB, bao giờ cũng phải dự kiến hoặc cam kết số trận được THTT trên VTV. Muốn đạt hiệu quả tài trợ cao, phải có từ 7-9 trận trên sân nhà. Đặc biệt như đội Xi măng Hải Phòng, gần như toàn bộ các trận tại Lạch Tray ở các mùa 2009, 2010 đều được THTT trên kênh VCTV3. Chẳng cần nói thì ai cũng biết, để có các con số bảo đảm ấy, phải vận động nhà đài xếp lịch từ trước.
Để sản xuất một trận đấu, chi phí ngót nghét 200 triệu đồng từ nhân sự, máy móc đến thuê sóng truyền dẫn. Nhưng đấy chưa phải tất cả con số mà các CLB phải chi. Ngoài ra, còn phải có tiền bồi dưỡng và lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại. Nếu chúng ta biết, có năm đội GĐT.LA của bầu Thắng phải chi 400 triệu đồng để được lên sóng phát thanh các trận đấu trên sân nhà thì sẽ tính được số tiền để lên sóng truyền hình. Con số có lẽ không dưới 2 tỷ/năm. THTT càng nhiều, càng tốn kém. Đổi lại, càng có nhiều trận THTT thì số tiền tài trợ có thể tăng đến vài tỷ đồng. Tầm quan trọng của THTT là ở chỗ này.
Đấy là “nỗi khổ” mà hơn ai hết, chính VFF cũng biết rất rõ khi họ vẫn phải “bồi dưỡng truyền hình” mỗi khi tổ chức các giải đấu cho đội tuyển quốc gia. Đối với các ông bầu, họ rất cần được THTT vì thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho CLB, phải bỏ thêm tiền để được quảng bá trên truyền hình, rõ ràng đấy là điều mà các ông bầu không thể chấp nhận mãi được. Đấy là chưa nói, BQTH là nguồn thu quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp. Không thu được thì thôi, đằng này còn phải bỏ thêm tiền. Thế nên, công việc đầu tiên của VPF là phải giành lại quyền truyền hình bởi như thế, dù chẳng thu được đồng nào, ít nhất họ cũng chẳng phải đau đầu về chuyện “bồi dưỡng truyền hình”. Con số 6 tỷ/năm mà AVG trả cho VFF so với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng mà các CLB đã bỏ ra thật chẳng đáng là bao. Các ông bầu VPF không cần đến số tiền của AVG.
AVG và cú "áp phe lịch sử"
Ông chủ của AVG luôn cho rằng doanh nghiệp của ông đang đóng góp cho bóng đá Việt Nam và không hề thu được lợi lộc gì. Nếu so sánh con số khoảng 4 tỷ đồng (cộng thêm với việc phải năn nỉ nhà đài) mà VFF nhận được trước khi có AVG thì rõ ràng, con số của AVG rất ấn tượng. Tuy nhiên, việc tại sao VFF lại ký với AVG, chúng tôi sẽ đề cập các kỳ sau.
Công bằng mà nói, 6 tỷ đồng mà AVG bỏ ra là “mất trắng” vì làm gì có chuyện họ mua độc quyền để bán lại. Họ không phải là công ty môi giới bản quyền nên không liều lĩnh mua bản quyền để bán lại kiếm lời. Chẳng phải nói ra thì ai cũng biết, AVG chính là một K+, SCTV, HTVC…Tức là một hệ thống truyền hình kinh doanh qua thuê bao. Thế nhưng, AVG không phải là một đài truyền hình độc lập, lại ra đời muộn khi các bản quyền, chương trình hấp dẫn nhất về thể thao, đặc biệt là bóng đá, đã có chủ.
Để nhanh chóng có tên tuổi và có “vũ khí tối thượng”, AVG đã mạo hiểm chọn mua độc quyền bản quyền thể thao Việt Nam mà quan trọng nhất là bóng đá. Đối với các đối tác của họ, tự dưng có số tiền nhiều tỷ đồng, lại không phải làm gì nên nhanh chóng bán ngay. Nhưng với AVG, đây lại là một cú “áp phe lịch sử”: Chẳng có giá tiền bản quyền nào thấp như việc họ đang mua từ VFF. Để độc quyền giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật, K+ phải tốn không dưới 5 triệu USD. Cũng cần phải nói thêm, ngoài việc được độc quyền để bán đầu thu, những lợi ích khác về thương hiệu, cơ hội đàm phán các bản quyền khác, là thứ không tính thành tiền nhưng…vô giá với các hệ thống như K+.
Phân tích như thế để thấy rằng số tiền 6 tỷ đồng và thời hạn 20 năm là độc nhất vô nhị trong lĩnh vực bản quyền truyền hình. Tất nhiên, AVG có quyền làm điều đó bởi họ là một đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, nếu gọi đó là “sự đóng góp cho bóng đá Việt Nam” thì cần phải xem lại. Khi bên bán (VFF) hết sức hỉ hả vì… bỗng dưng có tiền thì AVG đã cười thật to khi đối với họ, đó là thành công rất lớn.
Năm 2011, chẳng thấy ai nói gì về hợp đồng VFF-AVG bởi đơn giản thời điểm đó, AVG chưa chính thức phát sóng, chưa có kênh riêng. Sang đến 2012, họ bắt đầu chọn trận đấu hấp dẫn dành riêng cho mình, đẩy các đối tác lớn như VTV, VTC… vào thế phải tiếp sóng “nguyên đai, nguyên kiện” từ logo đến quảng cáo hoặc làm các trận đấu khác. Đấy là bước đi đầu tiên để AVG thể hiện ưu thế độc quyền của mình. Đến thời điểm mà họ bắt đầu bán đầu thu, tình hình còn sẽ chuyển biến bất lợi hơn cho các nhà đài khác.
Hồ Việt
- Kỳ 2: Chưa kết thúc nhưng VPF đã thắng “cuộc chiến”
Những nguyên nhân nói trên chính là ngòi nổ cho “cuộc chiến truyền hình” khi quyền lợi giữa VPF và bản hợp đồng VFF-AVG có quá nhiều điểm xung đột dù chưa biết bên nào mới thật sự “giúp cho bóng đá Việt Nam”. Dù “cuộc chiến” vẫn còn nhiều nút thắt nhưng chúng tôi có thể khẳng định: VPF là người chiến thắng.