Thay vì chọn nhà vô địch và Á quân của 8 nền bóng đá mạnh nhất khu vực là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Philippines, Australia và Việt Nam, mỗi quốc gia được cử 2 đại diện góp mặt. Sở dĩ AFF không “chấm” lấy 2 đội bóng mạnh nhất của từng quốc gia trong khu vực là lo ngại không đáp ứng đủ quy định về tài chính, lực lượng.
Cũng vì thế, AFF còn khuyến khích LĐBĐ thành viên thành lập 2 CLB mới để cử tham gia giải đấu này. Thật ra vấn đề khó khăn nhất chính là tài chính. Singapore - một trong những “sáng lập viên” giải đấu này - đề xuất quy định tương đối khó nhằn: mỗi đội bóng tranh tài phải có ít nhất 5 triệu USD trong tài khoản. Tất nhiên đề xuất của Singapore chưa được thông qua, nhưng nó đã làm Myanmar và Philippines ái ngại, vì đây là con số không nhỏ cho một CLB tại khu vực Đông Nam Á.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho hay, VFF sẽ bàn bạc với một số CLB có tiềm lực tại V-League để nghiên cứu phương án tham gia tranh tài ở ASEAN Super League. Nhưng sòng phẳng mà nói, một khi AFF đưa ra quy định quá khắt khe, có lẽ số đội ở V-League đáp ứng đủ yêu cầu là không quá một bàn tay. Cho nên, phản ứng đầu tiên của các CLB V-League đối với sân chơi này là sự dè dặt.
Chỉ duy nhất ĐKVĐ B.Bình Dương có gần đủ các điều kiện mới nêu sơ bộ. Ảnh: Hoàng Hùng
Cách đây không lâu, trong cuộc khảo sát của AFC với 14 đội V-League, chỉ duy nhất B.Bình Dương là đáp ứng đủ các điều kiện tài chính, cơ sở vật chất. Nhà vô địch Cúp Quốc gia 2014 Hải Phòng đã buộc phải bỏ chơi ở vòng play-off AFC Champions League do không đáp ứng yêu cầu tài chính, sân bãi. Vậy nên, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, sân chơi này là hơi quá tầm đối với các đội bóng Việt Nam.
Ai dám xung phong làm đại diện cho Việt Nam? ĐKVĐ B.Bình Dương tỏ ra hào hứng nhất, vì đơn giản đội bóng này có gần đủ các điều kiện mới nêu sơ bộ. Nhưng để hiện thực hóa nhiệm vụ đại diện cho bóng đá Việt Nam, phía đội bóng đất Thủ cũng tỏ ra thận trọng, chờ đợi quy định chính thức rồi mới quyết định. Trong khi đó, đa phần các đội V-League còn lại đều e dè, vì một đội bóng như Than Quảng Ninh kiếm được 50-60 tỷ đồng/ mùa đã nổi bần bật là “thiếu gia” thì kiếm hơn 100 tỷ ký quỹ trong ngân hàng chẳng phải dễ dàng. Đó chưa kể vấn đề lực lượng, chuyên môn và cả toan tính đánh bóng thương hiệu ra quốc tế.
Với các CLB Việt Nam, ASEAN Super League vừa gần lại vừa xa.
THANH CHI