Sau khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đề nghị cơ quan công an tiến hành điều tra trận thua trước Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014, có thể nói, suốt 4 năm qua, kể từ sau khi HLV Calisto rời khỏi đội tuyển quốc gia, “bán độ” trở thành từ ám ảnh bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói là mối nghi ngờ này xuất hiện không chỉ thời điểm đỉnh cao mà cả khi đội tuyển bị đánh giá thấp nhất.
Năm 2011, tại SEA Games 26, đội tuyển U.23 Việt Nam bị loại ở bán kết và có một kỳ giải gây thất vọng. Đỉnh điểm là trận thắng Lào 3-1 ở loạt trận cuối cùng vòng bảng, dù thắng 3-1 nhưng đã có nghi ngờ trận đấu này bị “làm kèo” nên thay vì thắng đậm, chỉ thắng với 2 bàn cách biệt. Trong đó, tiền vệ Nguyễn Văn Quyết bị đặt trong “tầm ngắm” do… không chịu ăn mừng sau khi ghi bàn thắng.
Thất bại ở trận bán kết lượt về AFF Cup, một số tuyển thủ lại bị nghi ngờ bán độ. Ảnh: QUANG THẮNG
Đến AFF Cup 2012, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên được dẫn dắt bởi HLV nội là Phan Thanh Hùng đã bị loại ngay sau vòng đấu bảng. Khi về nước, Phó chủ tịch VFF lúc đó là ông Lê Hùng Dũng đã công bố về “bản danh sách đen” mà theo ông, những người có tên sẽ không bao giờ được gọi vào đội tuyển. Người bị nghi ngờ nhất là tiền đạo Lê Công Vinh.
Trước khi dự SEA Games 27 - 2013 tại Myanmar, đội tuyển U.23 dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Văn Phúc cũng bị điều tra về trận hòa ở vòng bảng giải đấu giao hữu BTV Cup tại Bình Dương. HLV Hoàng Văn Phúc bị đình chỉ nhiệm vụ một thời gian ngắn trước khi được tái bổ nhiệm tại SEA Games 27. Tuy nhiên, đây cũng là một kỳ giải thất vọng với việc bị loại ngay vòng bảng.
Riêng trong năm 2014, bóng đá Việt Nam đã trải qua một thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử khi xảy ra 2 vụ bán độ tại AFC Cup (CLB Ninh Bình) và tại V-League (CLB Đồng Nai) trước khi xảy ra sự việc tại AFF Cup 2014 vừa qua.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cứ sau một thất bại bất ngờ, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến đó là cầu thủ đã bán độ? Rồi cũng chưa bao giờ, sau một thất bại nặng nề nào đó, các nhà làm chuyên môn ở VFF thừa nhận thua trận vì trình độ? Việc dễ dàng đổ lỗi cho bán độ cho thấy đấy là một “quán tính” trong cách suy nghĩ của một nền bóng đá nghiêp dư, luôn thiếu sức đề kháng khi mà môi trường xung quanh tồn tại những chiếc “vòi bạch tuộc” của giới cá độ bóng đá.
Trên thực tế, kể từ “nghi án” ở trận chung kết SEA Games 2009 (thua Malaysia) đến nay, ngoài 2 vụ việc tại Ninh Bình, Đồng Nai thì các nghi ngờ còn lại đều không chứng minh được do thiếu bằng chứng hoặc bản thân các vụ việc không được nhìn nhận theo đúng tính chất của nó.
Chỉ tiếc là dư luận, các nhà quản lý và cả những CĐV dễ dàng tin vào điều tồi tệ đó dù chỉ ít ngày trước, chúng ta đã khen ngợi tinh thần và ý chí chiến đấu của những cầu thủ. Thật khó để có một nền bóng đá phát triển khi phải luôn sống trong nghi ngờ như vậy.
Thế nên, kể cả khi thất bại tại AFF Cup 2014 thực sự do bán độ đi nữa thì điều tiên quyết là bản thân nền bóng đá phải tìm cách tăng khả năng đề kháng với tiêu cực chứ không phải xảy ra chuyện thì mới triệt phá.
ĐĂNG LINH