1. Số lần ông Lê Thụy Hải làm HLV của bóng đá Thanh Hóa không kém gì khi ông dẫn dắt Bình Dương. Chỉ có điều, 2 kết quả hoàn toàn trái ngược.
Ở Bình Dương, ông Hải luôn ra đi theo kiểu “ngẩng cao đầu” dù là sau các chức vô địch hay là đứt gánh giữa đường. Ngược lại, tại Thanh Hóa, 3 trong 4 lần chia tay của ông Hải đều theo kiểu “không kèn không trống”, thậm chí còn cãi nhau như chưa từng thân thiết.
Vậy mới có chuyện để nói. Chính cái mối quan hệ vừa chặt – vừa hở đó khiến cho người ngoài không bao giờ biết rõ rốt cục thì việc Thanh Hóa không thành công dưới các triều đại Lê Thụy Hải là do lỗi của lai. Nếu nói ông Hải không khao khát thì cũng không đúng. Thậm chí, phải gạt bỏ nhiều tự ái thì nhà cầm quân tuổi thất thập mới quay lại nơi “đuổi” mình. Ngược lại, nếu không có tham vọng thì lãnh đạo đội bóng xứ Thanh có lẽ cũng chẳng nhọc công mời ông Hải đến 3 lần. Bản thân họ cũng “hạ mình” khi cần đến ông Lê Thụy Hải.
Ông Lê Thụy Hải (phải) không đáng phải rời Thanh Hóa lần thứ 3 như vậy… Ảnh: Hải Nam
2. Nguyên nhân chủ yếu, theo chúng tôi, có khi chẳng ăn nhập gì cả nhưng nó sẽ giải thích khá rõ chuyện Thanh Hóa không thành công ở làng cầu Việt Nam. Cần nhớ rằng, dù ông Hải 3 lần đến xứ Thanh (nếu tính luôn hồi còn đá hạng Nhất thời Công an Thanh Hóa là 4 lần) thì mỗi lần có một ông chủ khác. Lời mời có thể vì vậy cũng khác nhau và ông Hải, trong từng tình huống một, cũng cảm thấy mình chưa hoàn thành hết “nghĩa vụ tình cảm” với đội bóng cũ nên đồng ý quay lại. Khổ nỗi, người mời thì khác nhau nhưng bản chất của bóng đá Thanh Hóa thì lại không khác. Đây là yếu tố khác hẳn so với B.Bình Dương, đội bóng chỉ có một chủ thể sở hữu nên luôn biết ông Hải cần gì để hỗ trợ. Trong khi đó, mỗi đời lãnh đạo của Thanh Hóa đều có cùng tham vọng là vô địch nhưng việc đầu tư dài hơi cho đội bóng lại không có. Thế nên, dù 3 lần khác nhau thì nội lực của Thanh Hóa chẳng khác gì cả, vẫn có sự thiếu ổn định về nhân sự, điều mà các hợp đồng ngắn hạn của ông Lê Thụy Hải không thể làm gì được.
3. Thanh Hóa sẽ khó mà vô địch Việt Nam nếu cứ duy trì cách làm bóng đá ngắt ngọn như hiện nay. Từ năm 2008 đến nay, họ đã 2 lần xuống hạng, 3 lần đổi chủ sở hữu, thay đổi xoành xoạch mô hình quản lý. Bóng đá Thanh Hóa suốt thời gian đó cũng không sản sinh thêm tài năng nào. Thật hiếm có đội bóng nào 4 mùa liền đều được xếp vào hạng ứng viên vô địch nhưng vẫn cứ thất bại theo một cách giống nhau như Thanh Hóa. Cũng chẳng có đội bóng nào trong 5 năm lại dùng 1 HLV đến 3 lần như họ. Đó là biểu hiện của sự thiếu nhất quán trong việc phát triển CLB, là sản phẩm của cách làm bóng đá thời vụ tưởng đã không còn tồn tại ở giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Thụy Hải không đáng phải rời Thanh Hóa lần thứ 3 như vậy bởi nói cho cùng, với một đội như Thanh Hóa, liệu có HLV nào có thể trụ được nhiều thời gian như nhà cầm quân họ Lê.
| |
Hồ Việt