15 mùa giải vẫn chưa khá hơn

Thực tế thì một giải bóng đá khoác áo chuyên nghiệp đến mùa thứ 15, với mỗi năm các doanh nghiệp tốn cả trăm tỷ đồng mà cung cách tổ chức thi đấu vẫn đậm chất nghiệp dư thì cần đứng lại, để xem xét trước khi chạy tiếp.

Thực tế thì một giải bóng đá khoác áo chuyên nghiệp đến mùa thứ 15, với mỗi năm các doanh nghiệp tốn cả trăm tỷ đồng mà cung cách tổ chức thi đấu vẫn đậm chất nghiệp dư thì cần đứng lại, để xem xét trước khi chạy tiếp.

Việc này đúng với ý kiến của bầu Đức là nếu cơ thể V-League bệnh nặng quá có thể ngưng tổ chức, nhằm làm sạch đến nơi đến chốn, chứ không nên cố che đậy rồi năm nào cũng bầy hầy và mãi lặp đi lặp lại như vậy.

HLV Võ Đình Tân (S.Khánh Hòa) lao ra phản ứng trọng tài gay gắt trong trận gặp chủ nhà ĐT.LA. Ảnh: Dũng Phương

V-League qua 15 lần tổ chức vẫn chỉ mang cái vỏ chuyên nghiệp. Bằng chứng là Than Quảng Ninh hiện khá bát nháo trong khu kỹ thuật, công tác trọng tài luôn bị ca thán mà giải pháp được đưa ra là Ban Trọng tài cho mời vua ngoại như cách né trách nhiệm, vì tới đây trăm dâu sẽ đổ lên đầu… trọng tài ngoại. Đáng nói nữa là tình hình sân bãi, phòng ốc nhiều nơi khá tệ hại. Nhưng, nóng nhất trong mấy ngày qua là phát biểu của bầu Đức rằng “chơi như thế thì hèn quá”, khi ông tỏ ra bức xúc trước trò đánh hội đồng của nhiều đội bóng với đám trẻ của mình.

Đúng là tiền đổ vào V-League nhiều hơn thời bao cấp, nhưng cách sống và tồn tại lại kém cả những CLB thời đấy luôn biết trân trọng cái tên của mình. Rõ nét nhất là hình ảnh khán giả phủ gần kín sân Hàng Đẫy trong trận HN T&T - SLNA ở vòng 20, nhưng hầu hết trong đó là dân xứ Nghệ còn đội bóng nhà giàu thủ đô chẳng mấy người quan tâm, dù tung ra đủ chiêu trò trước đó.

Bóng đá chuyên nghiệp cần chuẩn hóa HLV, nhưng qua mùa 2015 lại cho thấy các HLV có chuẩn chính là người phản ứng, gây khó khăn cho nhà tổ chức. Điển hình như HLV Võ Đình Tân (S.Khánh Hòa) lao ra phản ứng trọng tài gay gắt, hoặc ông chủ tịch đội bóng vùng mỏ mang suy nghĩ có tiền có quyền rồi cầm sa bàn ra trận khiến um sùm dư luận. Thậm chí đến giờ, việc lãnh đội mời nhà cầm quân đủ chuẩn như HLV Phạm Như Thuần ngồi vào khu kỹ thuật cũng chỉ như chuyện… làm màu mà thôi.

Hồi giải đấu có tên VĐQG hay hạng đội mạnh, các đội bóng thuộc ngành hay địa phương dẫu thiếu lên hụt xuống tiền nong thì khán giả cũng ùn ùn kéo đến xem cầu thủ con cưng thi đấu. Còn lúc này qua thống kê (đã thêm thắt) của BTC thì lượng người đến sân qua từng trận càng tụt giảm thê lương. Nguyên nhân được chỉ ra do đội bóng đá kiểu cho xong trách nhiệm, còn người hâm mộ thì nói thẳng V-League chẳng có gì hấp dẫn họ và nhất là cái tên của CLB không được trân trọng.

Nói dừng V-League không dễ nhưng đâu phải bất khả thi. Cũng vì V-League cần được cải tổ, bắt đầu từ cung cách tổ chức, CLB nên tìm nguồn sống từ bóng đá thay cho sữa có được từ sự cưu mang của các ông chủ bỏ tiền ra rồi muốn làm gì cũng được. Về phía VFF cũng cần hiểu, 15 mùa giải là quá đủ cho những thử nghiệm rồi…


ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục