Khi thị hiếu người nghe đạt đến một ngưỡng nào đó, thì từ chỗ vốn dĩ chỉ dành cho một nhóm người nghe riêng (underground) thì rap vụt trở thành trình diễn cho công chúng (main stream).
Chuyện khó tin ở rap Việt có thể là một điều đáng để “dân” thể thao Việt Nam suy nghĩ. Ngoài bóng đá, đa số các môn thể thao, kể cả những môn cá nhân, đều ngày càng thưa thớt các sự kiện thi đấu. Hay nói cách khác, khả năng tiếp cận khán giả và phát triển thương mại cho nhiều môn thể thao phổ biến tại Việt Nam hầu như không có. Sự sụt giảm các giải đấu có tính thương mại cũng đồng nghĩa với mối quan tâm của người dân với từng môn nói riêng và cả nền thể thao nói chung cũng không còn như trước. Ít nhiều cũng phản ánh phong trào tập luyện thể dục thể thao của người dân không thể tốt hơn xưa dù về lý thuyết, trong xã hội hiện nay, ai cũng cần phải nâng cao thể chất của mình.
Cũng giống như các bầu show, nhà tổ chức sự kiện âm nhạc, thì các công ty tiếp thị thể thao muốn tổ chức một giải đấu thương mại nào đó cũng cần phải nhìn thấy “ngưỡng” thị hiếu của khán giả. Tổ chức mà không có người xem, dù mở cửa miễn phí, thì làm sao có tài trợ? Trong khi đó, thử kiểm tra trên mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như YouTube, Facebook… thì các nhân vật thể thao rất hạn chế tương tác với người hâm mộ. Ví dụ như tay vợt số 1 cầu lông Nguyễn Tiến Minh hiện chỉ có hơn 30.000 lượt thích trên Facebook. Đây là con số quá ít so với vị trí gần như độc tôn của Tiến Minh ở môn thể thao này tại Việt Nam. Trên YouTube, Tiến Minh cũng không có kênh riêng để dạy hoặc trình diễn về cầu lông. Nếu người ta muốn nghe nhạc, học nấu ăn, thì sẽ lên các nền tảng mạng xã hội để xem, còn nếu muốn học kỹ thuật về cầu lông, thì lại chẳng thấy ngôi sao được yêu thích nhất chia sẻ…
Không chỉ có Tiến Minh, đa số các ngôi sao thể thao Việt Nam cũng chẳng có hoạt động tương tác, giao lưu với người hâm mộ bằng chính chuyên môn của mình. Hãy tưởng tượng, nếu Ánh Viên dạy kỹ thuật bơi, Tiến Minh dạy cầu lông, Công Phượng dạy đá bóng… thông qua các video có đầu tư tốt về kỹ thuật thì chắc chắn không thể thiếu người bấm theo dõi. Bất kỳ ai, nếu đã tham gia luyện tập một môn thể thao nào, thì cũng có nhu cầu được học hỏi những người giỏi nhất trong môn đó. Đáng tiếc là hoạt động tạo dựng hình ảnh và phát triển khán giả cho riêng mình của các ngôi sao thể thao kém rất xa so với những lĩnh vực khác. Rồi khi bản thân ngôi sao còn không có khán giả riêng, thì cũng chẳng đơn vị nào dám mạo hiểm tổ chức các sự kiện thể thao nếu không biết là có ai đến xem hay không.