Ba cột mốc vàng 1989, 2014 và 2019
SEA Games 15 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) cách đây 30 năm từng chứng kiến thời khắc cực kỳ quan trọng, khi lần đầu trong lịch sử, thể thao Việt Nam tham dự đấu trường SEA Games với tư cách của một quốc gia độc lập và thống nhất. Từ cột mốc đó đến giờ, giới chuyên môn vẫn gọi quá trình hòa mình vào ngày hội thể thao - văn hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Việt Nam là “thời hội nhập”. Và cũng kỳ diệu thay, đấy chính là thước đo sự chuyển mình mãnh liệt của một nền thể thao bé nhỏ…
Năm 1989, đoàn thể thao Việt Nam đến SEA Games với lực lượng khiêm nhường và thua kém bạn bè về kinh nghiệm. Chỉ có 42 vận động viên (VĐV) thuộc các môn điền kinh, bơi lội, bóng bàn, quyền Anh, thể dục dụng cụ, quần vợt và bóng chuyền tranh tài. Dù vậy, đoàn thể thao Việt Nam vẫn gây được tiếng vang khi giành 2 HCV bắn súng (súng trường tiêu chuẩn đồng đội nữ, súng ngắn bắn nhanh đồng đội nam) và 1 HCV cá nhân của nữ xạ thủ Ngô Ngân Hà (súng trường tiêu chuẩn).
Trải qua nhiều năm hòa nhập và làm quen với bầu không khí thể thao khu vực, đến năm 2003, đúng 14 năm sau, khi thời cơ “chín muồi”, thể thao Việt Nam đứng ra đăng cai một kỳ SEA Games, với tham vọng biến sự kiện lần thứ 22 trở thành kỳ giải diễn ra xuyên suốt nhiều miền đất của Tổ quốc, và là SEA Games lớn nhất, hoành tráng nhất, thân thiện nhất từ trước đến nay, với bài hát chủ đạo “Vì một thế giới ngày mai” vang vọng khắp biển Đông!
SEA Games 2003 đã diễn ra sôi động, trải dài từ thủ đô Hà Nội ra các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Tây đến tận TPHCM. Việt Nam không chỉ tổ chức thành công SEA Games 22, khiến cộng đồng thể thao - văn hóa Đông Nam Á ngạc nhiên, mà còn xác định một dấu mốc mới - lần đầu trong lịch sử, Đoàn thể thao Việt Nam xếp hạng nhất bảng tổng sắp huy chương, với kỷ lục 158 HCV, cùng 97 HCB và 91 HCĐ, soán ngôi vương của thể thao Thái Lan (chỉ đoạt 90 HCV).
Chiến thắng ở SEA Games 2003 cho thấy, thể thao Việt Nam đã vươn vai phát triển mãnh liệt, trở thành 1 trong 3 nền thể thao mạnh nhất Đông Nam Á, và điều đó đã được minh chứng rõ ràng khi thể thao Việt Nam tiếp tục thi đấu thành công ở SEA Games 23 tại Manila (hạng 3 toàn đoàn), SEA Games 24 tại Nakhon Ratchasima (hạng 3), SEA Games 25 tại Vientiane (hạng 2), SEA Games 26 tại Jakarta-Palembang (hạng 3), SEA Games 27 tại Naypyitaw (hạng 3), SEA Games 28 tại Singapore (hạng 3), SEA Games 29 tại Kuala Lumpur (hạng 3).
Để rồi, kỳ đại hội vừa diễn ra tại Philippines trở thành cột mốc phát triển mới trong lịch sử thể thao Việt Nam ở Đông Nam Á. Lần đầu từ năm 2003, Việt Nam vượt Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương đầy thuyết phục. Quan trọng hơn, nếu chỉ tính những môn thuộc Olympic danh giá, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu (56 HCV), chủ nhà Philippines chỉ xếp thứ nhì với 53 HCV, trong khi Thái Lan hạng 3 với 46 HCV. Thành tích này không gì khác hơn là lời khẳng định rằng thể thao Việt Nam từ cậu bé còi cọc năm xưa, nay đã vươn vai thành người khổng lồ.
Thống trị ở điền kinh và Binh pháp Tôn Tử
Chiến thắng vang dội nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 chính là điền kinh, môn thể thao được ví là “Vua của đấu trường Olympic”. Với 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ, đội tuyển điền kinh Việt Nam tiếp tục vượt “ông lớn” Thái Lan để chiếm cứ ngôi đầu xứng đáng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng thắng tuyệt đối ở các cự ly tiếp sức, với HCV nội dung 4x400m tiếp sức nam (Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng), 4x400m tiếp sức nữ (Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng). Ở nội dung tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4x400m lần đầu được đưa vào SEA Games và sẽ xuất hiện ở Olympic Tokyo mùa Hè năm sau, Việt Nam đã đoạt HCV ấn tượng bằng chiến thuật đặc biệt: Trong khi Thái Lan, Philippines xếp các nam VĐV chạy tiên phong đợt 400m đầu tiên, Việt Nam lại chọn… nữ VĐV Nguyễn Thị Hằng chạy đợt 1.
Mặc dù Hằng đã thua xa trước 2 VĐV nam Pratchaya Prapas (Thái Lan) và Raymond Alferos (Philippines), nhưng sự đeo bám quyết liệt của cô đã tạo tiền đề cho Trần Nhật Hoàng bứt phá ở đợt chạy thứ 2. Với chiến thuật nữ - nam - nữ - nam (Quách Thị Lan chạy ở đợt thứ 3 và Trần Đình Sơn “chốt hạ”), đội chạy tiếp sức của Việt Nam thắng oanh liệt với khoảng cách… hơn 6 giây so với Thái Lan và Philippines. Thành tích của Việt Nam là 3 phút 19 giây 50, trong khi Thái Lan chỉ đạt 3 phút 26 giây 09, và Philippines là 3 phút 26 giây 95.
Chiến thuật này khiến người ta gợi nhớ lại một “quái chiêu” trong Binh pháp Tôn Tử, đã được cháu nội Tôn Tẫn áp dụng trong một trận đua ngựa: lấy ngựa có thực lực không mạnh để đấu với ngựa có lực mạnh nhất, sau đó dùng ngựa có thực lực mạnh nhất đấu với ngựa có thực lực trung bình, và ngựa có thực lực trung bình đấu với ngựa có thực lực không mạnh của đối thủ. Chiến thắng này nhờ vào chiến thuật sắp xếp nhân sự hợp lý.
Mưa vàng ở xứ lạ
Những môn thể thao Olympic khác cũng hòa nhịp cùng chiến công của điền kinh, để tạo một kỳ SEA Games vang dội. Ở môn bơi, Việt Nam giành đến 10 HCV, chỉ xếp sau Singapore (23 HCV - vốn là cường quốc bơi lội châu lục). “Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục là nhân vật trung tâm, dù sa sút phong độ (cô thừa nhận điều này ngay sau khi giải đấu vừa kết thúc), vẫn kịp giành 6 HCV và 2 HCB. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng có thành tích ấn tượng khi thắng 2 HCV ở nội dung 400m tự do và 1.500m tự do, Trần Hưng Nguyên cũng thắng 2 HCV ở các cự ly 200m và 400m cá nhân hỗn hợp.
SEA Games 30 đã khép lại. SEA Games 31 sẽ diễn ra tại chính quê nhà, đang trải ra trước mắt thể thao Việt Nam. Khi đã vươn vai thành người khổng lồ, chẳng còn băn khoăn chuyện thành tích nhiều hay ít, mà quan trọng là chất lượng, thì đây là lúc giới chức ngành thể thao phải mạnh dạn đối diện với thách thức, vì nếu chúng ta dám dũng cảm vượt qua có thể sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn cho việc tổ chức các kỳ giải SEA Games ở khu vực nói chung: tổ chức một kỳ đại hội thể thao công bằng nhất, có những môn đấu chất lượng nhất và hoàn thành tiêu chí “Cùng nỗ lực phát triển thể thao, văn hóa, xã hội với các quốc gia thuộc khối ASEAN”, chứ không chỉ là một kỳ tranh tài thể thao đơn thuần.