14 người lo cho 3.000 người
Không may gặp chấn thương khi tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, võ sĩ Trần Văn Sang (đội tuyển wushu TPHCM) được chỉ định phải phẫu thuật dây chằng chéo ở chân. Quá trình điều trị tại bệnh viện của Sang kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi, sau đó anh chuyển sang Phòng Khoa học và Y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM) để tiếp tục hồi phục.
Người chịu trách nhiệm chính cho việc hồi phục sau chấn thương cho nam VĐV là chị Lê Trần Thủy Tiên, một huấn luyện viên (HLV) chuyên biệt hồi phục sau chấn thương lâu năm của phòng. Nhờ kinh nghiệm của mình, chị Tiên đã đưa ra hướng dẫn, các bài tập phù hợp giúp Sang hồi phục thể trạng sau 9 tháng để trở lại đội tuyển.
Đây là ví dụ cho một trong những công việc mà các HLV chuyên biệt tại Phòng Khoa học và Y học thể thao đang đảm nhận. Thực tế là những công việc kể trên luôn thầm lặng nhưng không thể thiếu trong thể thao thành tích cao, đồng thời đòi hỏi họ phải có lòng đam mê và nhiệt huyết từ tâm.
Theo chia sẻ của ông Phạm Thanh Nghị, Trưởng phòng Phòng Khoa học và Y học thể thao, phục hồi sau chấn thương thể thao mục tiêu khi điều trị tại bệnh viện là bệnh nhân đi đứng, hoạt động bình thường; nhưng đối với VĐV, họ còn phải hồi phục làm sao để quay trở lại tập luyện và thi đấu cường độ cao. Một VĐV sau phẫu thuật chấn thương sẽ tiếp nhận điều trị tại bệnh viện khoảng 2 tháng, sau đó sẽ đến Phòng Khoa học và Y học tập hồi phục để trở lại tập luyện.
Mặt bằng chung về y học thể thao, chăm sóc y tế trong thể thao ở Việt Nam chưa phát triển mạnh. Hiện tại, trong các trường y ở Việt Nam chưa giảng dạy nhiều về lĩnh vực này. Hầu hết các bác sĩ, kỹ thuật viên là dân chấn thương - chỉnh hình, cơ xương khớp chuyển sang.
Do đó, tình trạng nhân sự ở lĩnh vực y học thể thao luôn khan hiếm. Phòng Khoa học và Y học thể thao hiện có 14 nhân sự nắm các mảng điều trị vật lý trị liệu, đông y, chăm sóc sức khỏe VĐV, nghiên cứu khoa học, huấn luyện thể lực, hồi phục sau chấn thương... nhưng chăm lo đến 32 đội tuyển của thể thao TPHCM, khoảng 3.000 VĐV.
“Y học thể thao là mảng khá rộng, bao gồm việc VĐV tập luyện được theo dõi, đánh giá sức khỏe thể lực, tiếp đó là việc phòng tránh chấn thương, dinh dưỡng, khẩu phần ăn, thực phẩm bổ sung, điều trị và phục hồi sau chấn thương... Những HLV chuyên biệt của phòng xuất thân từ ngành điều dưỡng, y sinh, TDTT... qua quá trình tự mày mò, học hỏi sẽ hỗ trợ sức khỏe, thể chất cho sự phát triển của VĐV chuyên nghiệp. Chúng tôi phải áp dụng các phương pháp khoa học để nâng cao thể lực, đánh giá trình độ phát triển của VĐV, hiệu quả chương trình huấn luyện, phòng ngừa chấn thương...”, ông Phạm Thanh Nghị thông tin.
Thầm lặng, tận tụy cống hiến
Ngược lại với sự huyên náo tại các giải đấu, phòng tập là sự ân cần, lặng lẽ của những người có trách nhiệm chăm lo sức khỏe của VĐV. Đó là những kỹ thuật viên, HLV chuyên biệt nhiệt huyết, gắn bó lâu năm với nghề đang công tác tại Phòng Khoa học và Y học thể thao. Sự có mặt của đội ngũ này không chỉ mang đến sự an tâm cho các đội tuyển thể thao TPHCM, mà còn là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu với tâm lý HLV, VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Chức năng chính của Phòng Khoa học và Y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM) có 2 mảng hoạt động: khoa học và y học. Trong đó, khía cạnh khoa học liên quan đến công tác huấn luyện, huấn luyện thể lực, đánh giá và kiểm tra trình độ tập luyện của VĐV, nghiên cứu khoa học...; còn lĩnh vực y học gồm công tác phòng ngừa chấn thương, điều trị và hồi phục sau chấn thương.
Chị Lê Trần Thủy Tiên bộc bạch: “Tôi đến với công việc này vì lý tưởng chăm sóc sức khỏe cho người khác, và đặc biệt hơn là các VĐV đang ngày đêm miệt mài ghi dấu ấn cho thể thao Việt Nam trên các đấu trường. VĐV được biết đến khi trên đỉnh cao vinh quang, nhưng khi không còn phong độ cùng chấn thương dai dẳng thì không ai biết đến”.
Ngoài công tác chuyên môn tại cơ quan theo giờ hành chính từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, chị Tiên cùng các đồng nghiệp của mình phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc “ngoài giờ”: hỗ trợ y tế tại các giải đấu ở TPHCM, huấn luyện thể lực tăng cường cho nhiều đội tuyển tập luyện, nghiên cứu khoa học, huấn luyện phục hồi sau chấn thương..., có khi kéo dài đến đêm muộn. Tuy phải làm việc quá giờ và ít có thời gian nghỉ ngơi, nhưng với họ, đó là điều bình thường để hỗ trợ VĐV lập thành tích cho thể thao TPHCM.
Các HLV chuyên biệt lặng lẽ đứng đằng sau những chiến công, chỉ cần VĐV hồi phục sức khỏe, phát triển thể lực và gặt hái thành công, họ cảm thấy yên lòng và tiếp tục yêu quý công việc mình hơn.