Cuộc đối thoại có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.
Xuyên suốt cuộc đối thoại, BTC đã giải đáp các thắc mắc ở 29 nhóm câu hỏi đã gởi tới trước đó cùng sự chia sẻ trực tiếp của các chuyên gia, nhà quản lý thể thao.
Vấn đề được mọi người quan tâm chính là làm thế nào để giải quyết các mâu thuẫn đang có ở nội bộ VFF và yếu tố bóng đá “sạch” sẽ được làm triệt để hay không. Câu chuyện 1 ông chủ nắm nhiều đội bóng tồn tại hay không tồn tại ở bóng đá Việt Nam lúc này được đưa ra để trả lời.
Trả lời nhóm câu hỏi “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam được ban hành từ tháng 3 năm 2013. Sau gần 5 năm thực hiện kết quả còn mờ nhạt. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL các mục tiêu Chiến lược có quá cao không? Có gì cần phải điều chỉnh không? Các mục tiêu đều quan trọng, nhưng trong thời điểm hiện nay cần tập trung ưu tiên vào mục tiêu nào?”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn : “Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đề ra 6 mục tiêu. Có thể khẳng định các mục tiêu đặt ra đều rất quan trọng. Theo chúng tôi, các mục tiêu phù hợp và chúng ta cần phấn đấu không nhất thiết phải điều chỉnh. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện kết quả chưa như mong muốn. Hiện nay, các mục tiêu vẫn đang thực hiện. Mục tiêu hàng đầu hiện nay là xây dựng VFF và các Tổ chức thành viên phải mạnh, có khả năng tổ chức quản lý”.
Về câu chuyện bóng đá “sạch”, trước nhóm câu hỏi “Một trong những lý do các giải phong trào hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả là ít tiêu cực hơn. Giải vô địch quốc gia hiện nay chưa hấp dẫn khán giả (khán giả không đến nhiều) với nhiều lý do từ cơ sở hạ tầng và một lý do quan trọng là còn tiêu cực, còn “chưa sạch”. Nguyên nhân “chưa sạch” là gì? Bộ VH-TT-DL, VFF có đồng ý với đánh giá đó không? Có kiên quyết chấn chỉnh, làm sạch không?”, nhiều ý kiến đã trả lời thẳng thực chất.
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói “Chúng tôi thấy còn những hành vi chưa đẹp; đúng là một trong những nguyên nhân chính là “chưa sạch”. VFF kiên quyết làm sạch”. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời “Chúng tôi cũng thấy một trong những nguyên nhân là bóng đá chúng ta còn những trận đấu “chưa sạch”. Chúng tôi kiên quyết chấn chỉnh, làm sạch”. Trưởng BTC giải V-League Nguyễn Minh Ngọc cũng nói “Chúng tôi tiếp thu nghiêm túc ý kiến, sẽ điều hành loại bỏ hành vi nhường điểm, cho điểm ở mùa giải năm 2018 và các năm tiếp theo”.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải nói rõ “Bộ nhận định đúng như vậy. Bóng đá trong thời gian vừa qua có mất niềm tin. Lãnh đạo Bộ kiên quyết chỉ đạo Tổng cục TDTT, đề ra giải pháp phải kiên quyết làm sạch”.
Tại nhóm câu hỏi “Thực tế trên thế giới một người có thể sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định/luật chơi rõ ràng (Ví dụ Thái Lan có ông chủ bia Chang sở hữu 5 CLB). Ở Việt Nam hiện nay, dư luận đều cho rằng cũng có 1 người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Vậy Bộ VH-TT-DL, VFF có cùng đánh giá đó không? Nếu có thì là ai và các CLB nào? Có cách nào mà dù một người chi phối nhiều đội bóng nhưng khắc phục được câu chuyện “vỗ vai chia điểm” hay không? Phải chăng cần cho giải vô địch quốc gia nhiều đội xuống hạng hơn (hiện nay chỉ có 1-1,5 đội) và thay đổi thể thức thi đấu? Nếu cần, để khắc phục tình trạng này và đáp ứng các tiêu chuẩn của CLB chuyên nghiệp, có sẵn sàng trước mắt chỉ tổ chức V-League với một số rất ít đội đủ điều kiện tham dự hay không?”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời “Đây là câu hỏi khó. Thực tế trên dư luận phản ánh chuyện 1 ông chủ có nhiều đội bóng, tài trợ cho nhiều đội. Chúng tôi thấy có và thanh tra Bộ VH-TT-DL đã kiểm tra chỗ ông Đỗ Quang Hiển với các CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC... Kết quả là ông Hiển không có sở hữu gì cả. Nhưng các công ty của ông Hiển có tài trợ cho đội bóng. Chúng tôi xuất phát từ tình hình thực tế đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ những đội bóng được cho là ông Hiển đang sở hữu nhưng không có hiện tượng gì. Cũng có dư luận, báo chí đưa nhưng chưa có gì chứng minh. Việc khắc phục vỗ vai chia điểm thì hiện nay VFF và Tổng cục TDTT thường xuyên kiểm tra giám sát CLB. Để khắc phục bằng hình thức giảm đội thì chúng tôi nhất chí với VFF là hiện nay không thể giảm đội nữa vì làm giảm chất lượng giải”.
Trong các chia sẻ và góp ý cùng đặt câu hỏi của mình, nhiều chuyên gia như Nguyễn Hồng Minh, Lê Thế Thọ, Trần Duy Ly, Ngô Tử Hà, Nguyễn Lưu... đã đưa các ý kiến của mình. Trong đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ Tổng cục TDTT cần tổ chức rõ hơn về con người ở bộ môn bóng đá cũng như ở Bộ VH-TT-DL cần có người chuyên lĩnh vực thể thao trợ giúp cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Nguyên Bộ trưởng Hà Quang Dự bầy tỏ “theo tôi, toàn bộ bộ máy bóng đá Việt Nam đang có lỗi hệ thống yếu kém không đáp ứng được yêu cầu phát triển”. Ông Dự cũng đưa ra câu chuyện “có phải chăng, bóng đá đang tuột dần khỏi quản lý của nhà nước, quản lý địa phương, ”.
Về Đại hội và nhân sự lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8 sắp tới, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, VFF cùng tiếp thu ý kiến để có tổ chức hiệu quả nhất. Vấn đề bóng đá trẻ, trọng tài, bóng đá phong trào... được chia sẻ nhiều.
Tất cả trả lời ở các nhóm câu hỏi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cơ quan quản lý công khai đăng tải trên phương tiện truyền thông của ngành.